Cảng Cửa Lò hôm nay

Những ngày đầu tháng 6, trong cái nắng nóng và gió Lào như quạt lửa ràn rạt, chúng tôi có mặt tại cảng Cửa Lò (Nghệ An). Ngồi trong Trụ sở Chi cục Hải quan Cảng Nghệ An (Cục Hải quan Nghệ An) mà chúng tôi vẫn cảm giác như đội nồi than củi trên đầu, nhìn ra ngoài đường thấy cảnh vật một màu vàng rộm và mờ đi khi mọi thứ như đang bị bốc hơi.

Công chức Hải quan Cảng Nghệ An (Cục Hải quan Nghệ An) giám sát hàng hóa XK

Hướng tầm mắt về phía cảng, những con tàu chở hàng vẫn nhộn nhịp ra vào, các xe cẩu vẫn cần mẫn bốc xếp để những chuyến hàng kịp xuất bến.

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, với riêng tôi đã rất nhiều lần đến với cảng Cửa Lò nhưng mỗi lần đến là một ấn tượng khác nhau. Lần này là một cảng Cửa Lò đang hòa mình vào nền kinh tế ngày càng năng động của đất nước. Phải nói rằng, ngoài thế mạnh là du lịch, cảng Cửa Lò còn được ưu ái một vị trí thuận lợi cho kinh doanh và vận tải cảng biển. Những lần trước tới thăm, tôi có rất ít thời gian để ngắm nhìn, khám phá hết mọi ngóc ngách của cảng Cửa Lò nên lần này tôi quyết định nán lại lâu hơn để cảm nhận cái mặn mòi của biển, cái náo nhiệt của một cảng được coi là đầu mối quan trọng trong nhóm cảng biển vùng Bắc Trung bộ. Tôi dạo bước quanh cảng để cảm nhận cái thay đổi của cảng hôm nay, nhìn những con tàu có trọng tải hàng nghìn tấn đang “ăn” hàng, chuẩn bị cho chuyến đi xa là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi lớn này của Cửa Lò.

Trò chuyện với tôi về tương lai của các dự án, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm mà trong đó có sự phát triển của cảng Cửa Lò sẽ đưa tỉnh Nghệ An đi lên, ông Chu Quang Luân, Cục trưởng Cục Hải quan Nghệ An cho biết, trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, chế xuất, nhà máy lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhu cầu vận tải về hàng hoá càng trở nên bức thiết. Tuy nhiên, hiện nay, với quy mô còn hạn chế, cảng Cửa Lò chỉ mới đón những tàu hàng có công suất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Chính vì vậy, việc đầu tư nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải vào cảng Cửa Lò với quy mô lớn là cơ hội mới để cảng Cửa Lò khai thác vận chuyển hàng hoá một cách thuận lợi. Khi nguồn hàng ra vào qua cảng Cửa Lò sẽ lớn hơn, kết hợp với việc kêu gọi các hãng tàu nước ngoài vào khai thác tuyến vận tải container quốc tế nữa thì cảng Cửa Lò sẽ tăng trưởng nhanh.

Bằng niềm tự hào trong câu chuyện, ông Luân chỉ tay về phía cảng như khẳng định với tôi về sự phát triển của Cửa Lò hôm nay: “Như vậy là sau mấy chục năm (năm 1995) cảng Cửa Lò được đưa vào sử dụng đến nay, vấn đề khó khăn và hạn chế nhất là độ sâu của luồng đã được giải quyết. Ngày 17-5 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định chính thức đưa luồng hàng hải Cửa Lò vào sử dụng với năng lực 10.000 DWT thì tàu một vạn tấn đầy tải và hai vạn tấn san tải có thể ra vào cảng an toàn. Đây là một tin vui đối với các DN kinh doanh vận tải và các DN XNK trên cả nước”.

Mặc dù khát khao để kinh tế tỉnh nhà phát triển mạnh, DN tỉnh nhà làm ăn ngày càng phát đạt nhưng trong phút trầm tư suy nghĩ, ông Luân chia sẻ: Cảng Cửa Lò nói riêng và các khu kinh tế, DN ở Nghệ An nói chung phát triển mạnh như dự báo, điều này cũng đồng nghĩa với việc tăng thu ngân sách của Nhà nước qua công tác Hải quan. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là trách nhiệm nặng nề của cơ quan Hải quan trong việc hướng dẫn, hỗ trợ chính sách và pháp luật về Hải quan trong hoạt động XNK của DN.

Sau 2 giờ trần mình dưới cái nắng nóng, hòa lẫn với khói bụi vương ra từ mặt hàng đá vôi trắng đang được tập kết chờ XK, tôi có dịp tiếp xúc với đại diện đơn vị khai thác năng lực của cảng – Công ty TNHH cảng Nghệ Tĩnh. Sau ly nước vào đề giới thiệu mục đích tôi đến cảng, như hiểu được ý tôi, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc khai thác Công ty TNHH cảng Nghệ Tĩnh cho biết: Nói là vậy thôi, nhưng liệu khơi thông được luồng rồi thì số lượng tàu của các hãng tàu khai thác có tăng hơn không đang là cả những vấn đề cần giải quyết. Bởi khi có luồng nhưng phải có cầu cảng tốt, các dịch vụ phụ trợ tốt thì mới thu hút được các hãng tàu ra vào cảng. Trong khi đó, tại vùng nước cảng Cửa Lò, tàu cá của ngư dân vẫn đang cùng neo đậu, ảnh hưởng đến an toàn hàng hải. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất luồng sâu, tàu to nhưng DN thiếu chân hàng, nguồn hàng thì cũng khó phát triển.

Phân vân của ông Trường và của cả tôi khi đến với cảng Cửa Lò là vậy nhưng chúng ta cũng thấy được những hứa hẹn về một cảng đầu mối khu vực cả hiện tại và tương lai. Chính vì thế, với dự án xây dựng bến số 5, số 6, trong tương lai cảng Cửa Lò sẽ có các tuyến vận tải biển đi thẳng tới Hồng Kông, Singapore là các cảng trung chuyển lớn của thế giới. Đồng thời khai thác tốt thị trường vận tải hàng hoá của Lào, Đông Bắc Thái Lan thông qua cửa khẩu cầu Treo, cửa khẩu Thanh Thuỷ, Nậm Cắn vốn đang rất nhiều tiềm năng.

Cùng với chúng tôi đi một vòng quanh cảng để tác nghiệp, ông Trường bày tỏ sự lo lắng về tình hình tàu cá ngư dân neo đậu chiếm dụng cầu cảng. Đây không phải là vấn đề mới mà đã kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Theo thống kê mỗi ngày có khoảng 50 tàu thuyền của ngư dân lấn chiếm cầu cảng làm nơi neo đậu, trao đổi sản phẩm đánh bắt, sửa chữa ngư cụ… Các tàu cá không chỉ làm giảm hiệu suất hoạt động của cảng mà còn gây nguy cơ mất an toàn hàng hải khi tàu hàng lưu thông…

Rời Cửa Lò khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, tôi lại mong một ngày nào đó trở lại cảng Cửa Lò để cảm nhận những đổi thay khi luồng cho tàu biển 10.000 DWT đưa vào sử dụng.

Đảo Lê
Theo Báo Hải Quan