Chỉ có 30% nguồn nhân lực logistics Việt Nam được đào tạo

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), trong tổng số 234 hội viên thì có gần 70% hội viên vượt và đạt chỉ tiêu kinh doanh năm 2014. Có 85 % hội viên đang hoạt động ổn định và đang có kế hoạch mở rộng thị trường, phát triển liên kết kinh doanh.

Sáng 27/11, 200 hội viên đã tham gia hội nghị thường niên năm 2014 của Hiệp hội VLA tại TP Hồ Chí Minh. Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội VLA cho biết, việc kết nối của các thành viên VLA trong thời gian qua chưa có chiều sâu, chưa tạo được mối quan hệ chặt chẽ và quan tâm đến lợi ích chính đáng, nhiều mặt của hội viên. Điều này một phần do ngành dịch vụ logistics có khá nhiều lĩnh vực hoạt động nên có thể một số lĩnh vực hoặc địa phương (như miền Trung) chưa được hưởng lợi ích nhiều khi là thành viên trong hội.

Thời gian tới, Hiệp hội sẽ lập các văn phòng đại diện tại các khu vực Đồng Nai, Hải Phòng… tập trung vào các biện pháp kết nối và hỗ trợ hội viên nhiều hơn. Đồng thời nâng cao các tiêu chí, điều kiện gia nhập hiệp hội nhằm nâng cao uy tín và trình độ, sự chuyên nghiệp của hội viên.

Khảo sát từ các thành viên trong Hiệp hội cho thấy việc đầu tư các trang thiết bị vận tải, kho trong thời gian qua tăng ít. Còn đầu tư cho công nghệ thông tin, các phần mềm quản lý, khai quan…gia tăng đáng kể.

ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội VLA trao giấy chứng nhận Hội viên cho 3 thành viên mới
Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội VLA trao giấy chứng nhận Hội viên cho 3 thành viên mới

Cuộc khảo sát về nguồn nhân lực logistics của Việt Nam của VLA cho thấy có 60% tự đào tạo qua kinh nghiệm, học hỏi tay nghề lớp đàn anh đi trước, 30% có đào tạo qua trường lớp nhưng đa phần là những lớp bồi dưỡng tay nghề do các hiệp hội tổ chức. Những lớp này thiếu cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, phương pháp truyền đạt…trong khi đó yêu cầu về một nhân lực logistics thực thụ phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng quản trị trở thành nhà cung cấp logistics tích hợp (3PL).

Để nâng cao năng lực cho các thành viên trong hội, Hiệp hội sẽ tìm nguồn đào tạo từ các tổ chức quốc tế và Bộ Công thương, Bộ GTVT, đề xuất với Bộ Công thương có chương trình đào tạo quản trị logistics (6 tháng/1 năm) cho các cấp quản lý doanh nghiệp.

Theo Giao thông vận tải.