Kì 4: Câu đố muôn thuở: “Sinh viên ra trường và cơ hội xin việc?”

 

Đây là câu đố không mới nhưng chưa bao giờ cũ, mỗi người cảnh ngộ khác nhau, và đã có quá nhiều chia sẻ về việc này. Tuy nhiên Mr. Lô vẫn muốn viết về nó một tý, biết đâu lại có ích cho 1 số bạn. Những ý sau đây đã được Mr. Lô sưu tầm, chắc lọc, và chỉnh sửa lại cho phù hợp với sinh viên ngành Logistics chúng ta. Và cũng cố gắng hoàn thành thật nhanh, để các bạn có một tý định hướng, dù sao thì mùa ra trường sắp đến rồi.

5b4ee8809dea26bb028a440aadbba270

Vòng lặp của nhiều sinh viên hiện nay.

1 – Tập trung & chuẩn bị từ dài hạn:

Tuy bạn học Logistics, nhưng khi ra trường khó có việc nào nào tên là Logistics cả, vì logistics là một từ rất chung chung, ngay từ khi năm 2-3 bạn phải xác định rõ bạn muốn hoạt động trong lĩnh vực nào? càng thu hẹp phạm vi càng tốt. Khi đó song hành với kiến thức logistics, bạn phải có cả kiến thức về chuyên ngành mà bạn muốn làm việc.

Một ví dụ chí tử là một anh đã từng tốt nghiệp ngành Logistics, xin việc vào vị trí Chuyên viên hàng Xuất tại một hãng tàu lớn, cả trăm người bị loại còn đúng 2 ứng viên, CEO phỏng vấn trực tiếp, bảo vệ slide và thuyết trình bằng Tiếng Anh trong phòng kín về 1 chủ đề tự chọn đã được thông báo bằng công văn dấu đỏ trước đó một tuần. Anh chọn chủ đề: “Nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng xuất của Việt Nam”. Bài thuyết trình rất trôi chảy, tuy nhiên khi sếp hỏi 4 câu khiến anh ấy chết cứng:

1 – Bạn có biết hiện tại nhà đầu tư nước ngoài của quốc gia nào tài trợ nhiều vốn cho ngành Logistics nhất tại thị trường VN và nó có ảnh hưởng gì đến thị trường hay không?

2 – Bạn có biết quy định pháp lý nào ảnh hưởng mạnh đến thị trường XNK ở thời điểm hiện tại?

3 – Bạn có cách nào để các Hãng tàu trong nước có thể chiếm lĩnh thị trường VN trong khi các công ty nước ngoài đang chiếm ưu thế rõ rệt 4 – bạn có biết sự khác biệt giữa Vận chuyển 3 miền Bắc – Trung – Nam….

Đấy, 4 câu này thử hỏi một người học Logistics có trả lời được không? Nếu bạn thực sự chuẩn bị tốt, thì nó có phải đã lấy điểm được ở từng câu hỏi hay sao? Mặc dù sau đó anh ấy cũng đỗ nhưng bị chuyển xuống vị trí nhân viên giao nhận.

Đừng bao giờ ngừng học hỏi!

Kết luận, ngoài những lý thuyết trong sách vở thì bạn nên đọc thêm sách báo, nghiên cứu thêm về tình hình thực tiễn của ngành ở Việt Nam. Không bao giờ ngừng học hỏi, tìm hiểu – là một bí quyết chính để thành công, ngay cả khi bạn đã tốt nghiệp ra trường. Kiến thức xã hội là một phần rất quan trọng khi nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên phỏng vấn.

2 – Không nên vội vã với những thông tin tuyển dụng

Thông tin tuyển dụng bao giờ cũng đăng tải trong một thời gian nhất định. Vì vậy khi thấy bất kỳ thông tin tuyển dụng nào bạn không nên vội vã gửi ngay hồ sơ đi. Bạn nên biết rằng dù bạn là người gửi hồ sơ đầu tiên hay người cuối cùng thì nhà tuyển dụng cũng không quan tâm. Hãy dành thêm thời gian để xem xét kỹ loại công việc, tìm hiểu mức lương, sửa chữa lại CV cho phù hợp và xem xét kỹ thông tin về công ty bạn ứng tuyển. Nếu muốn được trả lương cao nhưng công ty đó chỉ là một công ty nhỏ, thị trường hoạt động không rộng vậy làm sao họ có thể đáp ứng được yêu cầu lương của bạn. Vì vậy, trước khi ứng tuyển cho bất kỳ công ty nào bạn cần phải tìm hiểu về lĩnh vực công ty đó kinh doanh, mức lợi nhuận hằng năm của họ, hình ảnh của họ… Đây cũng là điểm mạnh để bạn thể hiện tốt hình ảnh của mình trong lúc phỏng vấn, không có gì hay hơn một người đã chuẩn bị kỹ càng trước những sự kiện quan trọng.

clip_image001
Tự tin, tinh thần lạc quan và HIỂU RÕ THẾ MẠNH BẢN THÂN là 3 yếu tố quan trọng nhất khi kiếm việc làm.

Một vấn đề tiếp theo là giới tính, đây là vấn đề không hề đơn giản đâu, đặt biệt là trong ngành Logistics mình. Nhiều công ty thích tuyển nam vì Nam giới không phải nghỉ thai sản, ko chịu tác động nhiều chuyện gia đình, chồng con nên họ lăn xả công việc tốt hơn (nếu như một công việc cả nam và nữ đều làm được thì thường ưu tiên Nam, nhất là các công việc hiện trường). Ngược lại, nếu công việc ghi rõ ưu tiên Nữ thì bạn nữ đã có lợi thế hơn hẳn. Đối với những công việc ghi là ưu tiên về giới tính bạn cũng nên cân nhắc với lợi thế của mình, có thể nó “ngon” hơn vì bạn đã có ưu thế hơn 1 nửa của thế giới.

3. Biết phát huy lợi thế của sinh viên mới ra trường

Bà Phùng Thị Kim Ngân, chuyên viên tuyển dụng của một Công ty tư vấn và hỗ trợ giáo dục, đưa ra lời khuyên: “Bạn nên làm thêm những công việc hỗ trợ cho nghề nghiệp của bạn sau này. Thậm chí, những kinh nghiệm làm thêm đó dù không đúng chuyên ngành nhưng vẫn giúp bạn tích lũy được những kỹ năng hữu ích. Trên thực tế, có những công ty tuyển người vào rồi sẽ đào tạo lại”.

Bà Kim Ngân kể: “Tôi từng nhận một hồ sơ xin việc rất ấn tượng. Bạn đó mạnh dạn viết là có ngoại hình đẹp, có sức khỏe và có thời gian, với dự định dành 5 năm đầu toàn tâm toàn ý lo cho công việc”. Bà Ngân khẳng định: “Đây chính là những thế mạnh vượt trội khi không có kinh nghiệm. Tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó, kỹ năng học hỏi và nắm bắt vấn đề nhanh sẽ giúp SV mới ra trường tự tạo nên hình ảnh ứng viên đầy tiềm năng trong mắt nhà tuyển dụng”.

4. Tận dụng các cơ hội thực tập và tập sự.

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc một trung tâm Tuyển dụng: “Nếu điều kiện chưa cho phép mà bạn cứ khăng khăng đòi hỏi làm đúng công việc chuyên môn của mình, thì bạn sẽ không có cơ hội hòa nhập thực tế, không có điều kiện đi làm trong công ty và không có thu nhập trang trải cuộc sống. Điều quan trọng là bạn cần kiên trì với mục tiêu của mình trong thời gian phải làm công việc khác”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, hiện nay có độ vênh giữa nhu cầu tuyển dụng từ xã hội và khả năng của SV. Vì vậy, có những SV phải chấp nhận thời gian đầu để thử việc, học việc không lương hoặc nhận ít trợ cấp. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, các bạn có cơ hội chuyển sang công việc xã hội đang cần.

Thực tập thực ra chính là một hình thức để có thêm kinh nghiệm nếu như khó xin việc làm do lý do thiếu kinh nghiệm. Bạn có thể xin thực tập thêm tại các công ty khác để bổ sung thêm kinh nghiệm và mở rộng mối quan hệ của mình. Có rất nhiều công ty thường sẽ nhận thực tập sinh vào làm sau kì thực tập.

Hoặc là nộp đơn vào các vị trí trainee ( Quản trị viên tập sự) thường dành cho các bạn mới ra trường – kéo dài tầm 6 tháng, và sẽ không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm đã từng có như các vị trí full time. Các vị trí này rất tốt cho sinh viên logistics mới ra trường vì sẽ tiếp xúc với các công việc quản lý chung, liên quan đến ngành học của mình. Nhưng vị trí này cũng cạnh tranh khá là nhiều. Bạn có thể tìm trên google hoặc theo dõi những tin tuyển dụng mà Bác Lô chia sẻ với từ khóa là Management Trainee.

Một lựa chọn nữa nếu bạn muốn đi làm luôn. Đa số các bạn học Logistics ra thường hay trải nghiệm vị trí sales trong các công ty Forwarder. Sales thì thường rất ít đòi hỏi kinh nghiệm. Tuy Sales rất khó khăn (về mặt lương lẫn công việc) nhưng thật sự sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi làm qua Sales. Và các công ty thường rất ưu ái cho những bạn từng có kinh nghiệm sales.

Và Mr. Lô tin rằng sau khi tích lũy đủ chừng 1-2 năm kinh nghiệm thì bạn có thể sẵn sàng nộp đơn vào các vị trí khởi đầu của Logistics trong các phòng ban ở các công ty ( phòng Purchasing, Logistics, Supply chain….), làm việc đúng với những kiến thức đã học của mình.

Điều cuối cùng là, các bạn nên mạnh dạn xin việc làm, làm thêm giúp bạn tăng kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp, thích ứng môi trường, khả năng học hỏi…Không nhất thiết phải đúng chuyên ngành đúng nghề vì phải thực hành, phải làm việc mới biết mình phù hợp, yêu thích công việc gì. Các bạn có thể tham gia làm cộng tác viên, làm những công việc nhìn có vẻ rất nhỏ nhặt, và hãy làm với tinh thần tích lũy, học hỏi. Cần bắt đầu từ công việc rất nhỏ để nuôi dưỡng nghề nghiệp. Và thành công sự tự tìm đến bạn thôi, cứ tin chắc vào điều đó.

Mr. Lô

Kỳ 1: Logistics – Học gì và làm gì? Một “Quản trị kinh doanh” mới

Kỳ 2: Logistics – Học gì và làm gì?: Tích lũy kiến thức bao nhiêu là đủ

Kỳ 3: Những cơ hội nghề nghiệp trong ngành Logistics.