KỶ NGUYÊN CỦA SIÊU CHUYÊN MÔN HOÁ (PHẦN 3)

Siêu chuyên môn hóa đem lại lợi thế đáng kể cho các công ty, người lao động và cả xã hội. Nhưng bản thân nó cũng tiềm tàng mặt tối cần được chú ý và giải quyết. Mặc dù nhiều lợi thế và bất cập cũng xuất hiện trong quá trình gia công ngoài và phân phối công việc, chúng phát sinh theo những cách thức cụ thể trong quá trình siêu chuyên môn hóa.

SỰ HỨA HẸN

Chuyên môn hóa đem lại cho cả người làm công và các công ty nhiều lựa chọn và sự linh hoạt hơn cách tuyển dụng và sắp đặt truyền thống. Các cá nhân có quyền làm việc ở nơi và vào thời điểm mà họ lựa chọn. Các đại lý của LiveOps, công ty cung cấp dịch vụ cuộc gọi cho các trung tâm, cho rằng sự linh hoạt này rất hấp dẫn bởi nó cho phép họ có thể làm việc ở nhà và dễ dàng cân bằng công việc và các trách nhiệm cá nhân. Còn những nhân viên có tính tự chủ thì cảm thấy việc được lựa chọn công việc cho riêng họ thật sự rất thu hút.

Đối với các công ty, siêu chuyên môn hóa cho phép cải thiện hiệu suất công việc một cách nhanh chóng. Trong cơn bão Katrina, đường dây nóng của Hội Chữ thập đỏ (Red Cross) đã bị tắc nghẽn bởi các cuộc gọi từ những người muốn đóng góp hoặc muốn tham gia tình nguyện. Ngay lập tức hơn 300 đại lý của LiveOps tham gia và xử lý hơn 17.000 cuộc gọi chỉ trong vài ngày sau đó.

Những người phải đối mặt với rào cản trong thị trường việc làm truyền thống cũng có thể hưởng lợi từ quá trình siêu chuyên môn hóa. Tại các công ty trung gian thông qua website, các nhân viên thường được đánh giá thông qua những gì mà họ sản xuất – chứ không phải qua lý lịch trích ngang, kinh nghiêm vốn có hay qua thư giới thiệu. Điều này có thể giúp giải quyết khó khăn cho những người trẻ lần đầu tiên tìm việc, người cao niên tìm cách để tiếp tục ở lại làm việc, hoặc những người có nguy cơ bị phân biệt đối xử khi làm việc trực tiếp. Ví dụ, Pearl Interactive Network, một công ty có trụ sở ở Ohio chuyên thực hiện gia công ngoài cho pfizerWorks, chủ yếu tuyển dụng người khuyết tật.

Siêu chuyên môn hóa cũng tạo ra sự di chuyển lao động ảo cho những người sống ở các nước đang phát triển. Tiền lương chi trả ở các nền kinh tễ  tiên tiến có thể cao hơn ở các nước đang phát triển đến tám chín lần. Nhờ đó, khả năng nhận các nhiệm vụ nhỏ ở các trang web như Samasource và txteagle có thể cải thiện một cách đáng kể đời sống kinh tế của người lao động ở những nơi như Châu Phi hay Nam Á.

NHỮNG HIỂM HỌA TIỀM TÀNG

Một đám mây u ám bao phủ lên tương lai của siêu chuyên môn hóa là khả năng nó sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của các “công xưởng điện tử”, theo cách gọi của giáo sư Luật Harvard Jonathan Zitrrain. Đó là nơi người làm công bị bóc lột với mức lương rất thấp. Điều này xảy ra một phần do sự mất cân bằng của thị trường lao động. Mức lương bị coi là bóc lột ở các nước có nền kinh tế phát triển có thể là mức lương hấp dẫn với những nhân công ở các quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới trong vài thập kỉ tới, sự chênh lệch mức lương trên thị trường lao động sẽ trở nên ít phổ biến hơn, hoặc ít nhất thì khoảng cách thù lao giữa các quốc gia cũng sẽ được thu hẹp dần lại. Tất nhiên, sự bóc lột nhân công không chỉ giới hạn trong phạm vi của Internet. Một cuộc khảo sát gần đây của một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Internet và Xã hội Berkman của Đại học Harvard cho thấy rằng người lao động đánh giá người quản lý của Mechanical Turk đối xử công bằng hơn so với một người quản lý bình thường.

Hơn nữa khi công việc được xé nhỏ ra, nó có thể trở nên nhàm chán và vô nghĩa, thậm chí tạo ra các tác động về mặt tâm lý cho những người thực hiện. Bản thân Adam Smith đã cảnh báo chống lại sự phân chia quá nhỏ lẻ của lao động, nhấn mạnh vào những hậu quả nguy hiểm khi công việc của một người bị rút gọn xuống mức vô cùng đơn giản.

Nhiều thử nhiệm thế hệ đầu với siêu chuyên môn hóa chủ yếu dựa vào các công ty trung gian như Mechanical Turk hay TopCoder. Nhưng một khi nó trở nên phổ biến hơn, các doanh nghiệp rất có thể sẽ cố gắng sử dụng quá trình này để tổ chức các hoạt động nội bộ của họ. Bên cạnh đó, nhiều loại hình tổ chức trung gian mới có thể xuất hiện, ví dụ như các tổ chức Chính phủ muốn tạo công ăn việc làm cho người dân của họ hoặc các tổ chức đại diện cho lợi ích của người lao động.

LỜI KẾT

Chúng tôi hình dung sự xuất hiện của một hệ sinh thái đa dạng phong phú  – các tổ chức lợi nhuận, cơ quan Chính phủ từ nhiều quốc gia và các tổ chức phi lợi nhuận, tất cả đều được điều chỉnh bởi các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu – để hỗ trợ quá trình siêu chuyên môn hóa. Hệ sinh thái này sẽ gần giống với hệ thống web hiện nay, ngoại trừ thay cho việc tạo điều kiện trao đổi thông tin và hàng hóa, nó sẽ tạo ra dòng chảy lao động tri thức mạnh mẽ di chuyển khắp thế giới.

KỶ NGUYÊN CỦA SIÊU CHUYÊN MÔN HOÁ (PHẦN 1):
https://logistics4vn.com/ky-nguyen-cua-sieu-chuyen-mon-hoa-phan-1/

KỶ NGUYÊN CỦA SIÊU CHUYÊN MÔN HOÁ (PHẦN 2):
https://logistics4vn.com/ky-nguyen-cua-sieu-chuyen-mon-hoa-phan-3/