Ngành da giày không đạt mục tiêu tăng trưởng

Ngành da giày của Việt Nam dự kiến sẽ đạt tăng trưởng 8% trong doanh thu xuất khẩu, thấp hơn mức chỉ tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2016.

giay_da_vopv

Theo Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), Việt Nam là quốc gia sản xuất da giày lớn thứ 4 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil), đồng thời là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 về doanh thu sau Trung Quốc và Ý. Chính vì vậy, năm 2016 ngành da giày Việt Nam đã đề ra mục tiêu đạt doanh thu 17 tỉ USD.

Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12/2016, Việt Nam mới thu về hơn 12,3 tỉ USD xuất khẩu giày dép và hơn 2,99 tỉ USD xuất khẩu va li, túi xách và ô dù. So với mục tiêu đề ra vào đầu năm, ngành da giày Việt Nam có khả năng khó thực hiện trong cuối năm nay.

Ngành da giày Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thừa nhận vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso, cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lượng đơn đặt hàng giảm từ 30 – 60% so với năm ngoái, nhưng với các doanh nghiệp (DN) lớn, năng lực sản xuất tốt vẫn giữ ổn định được đơn hàng.

Nguyên nhân xuất khẩu của ngành sụt giảm được lý giải là những bất ổn về chính trị, cụ thể sự kiện Brexit khiến tiêu dùng tại thị trường EU, nhất là thị trường Anh chững lại. Nhà nhập khẩu cũng chỉ đặt hàng cầm chừng khiến số đơn hàng về Việt Nam giảm mạnh. Trong khi đó, một số đơn hàng lớn, gia công đơn giản bị dịch chuyển sang Myanmar, Bangladesh càng khiến tình trạng đơn hàng giảm đi.

Ngoài ra, lý do để tăng trưởng của ngành da giày giảm nữa là rào cản của kỹ thuật. Theo Lefaso, khi các hàng rào thuế quan được hạ xuống thì các hàng rào kỹ thuật và phi thuế quan lại được dựng lên. Đây là nguy cơ cho các DN sản xuất da giày vừa và nhỏ trong nước.

Theo đó, sự tăng trưởng 1 chữ số trong năm nay sẽ làm tăng áp lực cho kế hoạch xuất khẩu của ngành da giày trong năm 2017 và cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia xuất khẩu giày dép như Myanmar và Bangladesh và các nước khác.

Dù vậy, nhiều DN kỳ vọng khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU được thực thi, đồng thời lấy đà để đón nhận cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á- Âu được đi vào thực tế, nhiều DN hy vọng đây sẽ là cơ hội để ngành giày da phát triển.

Tuy nhiên, phía Lefaso cho rằng để tận dụng được lợi thế từ các FTA cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp da giày ngoại, các doanh nghiệp trong nước buộc phải tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và phải tiến dần vào việc sản xuất những dòng sản phẩm có giá trị cao, không thể chỉ tiếp tục sản xuất những dòng sản phẩm cơ bản như hiện tại.

Hiện Việt Nam đang sản xuất khoảng 920 triệu đôi giày mỗi năm, xuất khẩu hơn 800 triệu đôi tới hơn 50 thị trường trên thế giới, trong đó Liên minh châu Âu (EU) chiếm tỷ lệ lớn nhất. Sản phẩm túi xách cũng được xuất khẩu sang 40 nước, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất với 41,6%.

Hải Yên (Theo ITPC)