Những chuyển biến mới ở ngành giao thông vận tải

Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2015, ngành giao thông vận tải đã có những chuyển biến tích cực từ công tác điều hành đến các hoạt động cụ thể.

Đổi mới bắt đầu từ con người
Ngay từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015, khi họp đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc, người đứng đầu ngành giao thông vận tải (GTVT) là Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và lấy phiếu tín nhiệm năm 2014 đối với một số chức danh lãnh đạo, quản lý theo chỉ đạo của Trung ương. Hoàn thành việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý của Bộ.
Trên cơ sở đánh giá chất lượng cán bộ đó, Bộ GTVT đã thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển đối với 13 trường hợp, nhằm đảm bảo các cán bộ bổ nhiệm, điều động phát huy tốt nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, Bộ GTVT là đơn vị đi đầu trong các bộ, ngành tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cho các đơn vị, gồm: Chức danh thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và chức danh Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin trực thuộc Bộ.
Bộ cũng đã hoàn tất thủ tục cử người đại diện phần vốn nhà nước tại 13 công ty cổ phần. Cùng với đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo các DN đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa DNNN, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Quý 1, Bộ đã ban hành Quyết định xác định lại giá trị cổ phần vốn Nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần, quyết toán cổ phần hóa cho 5 DN. Thời gian qua, Bộ đã hoàn thành quyết toán, bán giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần đối với 7 đơn vị, điều chỉnh vốn điều lệ tại 2 DN.
Hàng hải, Hàng không, Đường sắt đều được ngành GTVT tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa.

Hàng hải, Hàng không, Đường sắt  … đều được ngành GTVT tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa, nhằm tạo chuyển biến trong hoạt động và phục vụ khách hàng. Ảnh minh họa.

Bộ phê duyệt danh sách doanh nghiệp cổ phần hóa và thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa tại 28 đơn vị. Trong đó, chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần đầu và thành lập Công ty cổ phần; hoàn thành thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 2 Tổng công ty, thống nhất chủ trương thoái vốn tại 3 Tổng công ty và 6 đơn vị doanh nghiệp thành viên.
Hiện nay, Bộ đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các Tổng công ty thuộc Bộ theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Đẩy manh tiến độ thi công và khai thác tốt nguồn vốn ngoài nhà nước
Theo Bộ GTVT, năm 2015 toàn ngành phải giải ngân trên 77.900 tỷ đồng. Để các công trình, dự án hoàn thành đúng tiến độ, ngay từ đầu năm bộ đã chỉ đạo các nhà thầu đẩy mạnh công tác thi công, giải ngân vốn trên các công trình dở dang, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ thời gian, đẩm báo chất lượng công trình.
Quý 1, toàn ngành đã thực hiện sản lượng thi công đạt 16.950 tỷ đồng, đạt 21,8% kế hoạch năm và giải ngân vốn ước đạt 16.187 tỷ đồng, bằng 20,8% kế hoạch năm 2015.
Với sản lượng xây lắp kể trên, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành 22 công trình, dự án để đưa vào khai thác, kịp thời phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Xuân Ất Mùi. Đồng thời hoàn thiện thủ tục chuẩn bị tổ chức khởi công 16 công trình, dự án trong kế hoạch.

Bộ Trưởng Đinh La Thăng luôn chỉ đạo sát xao trên các công trình.

Bộ trưởng Đinh La Thăng luôn chỉ đạo sát sao trên các công trình gặp khó khăn về mặt bằng, tiến độ.

Nhằm giúp cho đồng bào vùng khó khăn, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thi công 183/187 cầu treo của giai đoạn 1. Đến nay có 86 cầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân địa phương.
Cùng với việc triển khai các dự án dở dang, 3 tháng qua Bộ GTVT đã đẩy mạnh tìm kiếm đối tác góp vốn thực hiện các dự án. Trong đó, Bộ GTVT đã huy động được trên 16.000 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án theo hình thức BOT, đạt 44% so với kế hoạch năm 2015. Đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất bổ sung vốn đối ứng cho các dự án ODA.
Bộ đã giao kế hoạch cho các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án triển khai thực hiện lập, trình duyệt quyết toán cho 346 dự án và giao các đơn vị thẩm tra, phê duyệt quyết toán 365 dự án trong năm 2015. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã trình duyệt quyết toán 31 dự án; thẩm tra, phê duyệt quyết toán 70 dự án.
Quý 2, Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm các đối tác nhằm huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông, bằng việc thực hiện phương án BOT, xã hội hóa đầu tư phát triển cũng như bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên tất cả các lĩnh vực tập trung chấn chỉnh công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
Riêng quý 1, Bộ cũng đã huy động các địa phương tham gia bảo trì đường bộ với 1.800 tỷ đồng, bằng 35% giá trị thực hiện của ngành.
Thời gian tới, bộ sẽ quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, trọng tâm, trọng điểm, đó là: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A,  đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng… và khởi công 53 công trình, dự án mới.
Cùng với các công trình kể trên, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh triển khai thi công các công trình cầu treo dân sinh cho đồng bào vùng kho khăn. Bộ phấn đấu sẽ hoàn thành 101 cầu treo trong giai đoạn 1 trước ngày 30/6 và triển khai giai đoạn 2 xây dựng tiếp 295 cầu treo, bảo đảm giao thông thuận lợi, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân./.

Bích Hời
Theo Báo Kinh Tế