Nỗi lo từ Cát Lái

Những ngày qua, ùn xe do container ra vào cảng Cát Lái, mở rộng ra các trục đường xung quanh như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Võ Chí Công, xa lộ Hà Nội…, có lúc kẹt cả ngày.

Thật ra, kẹt xe “do” cảng Cát Lái đã xảy ra từ nhiều năm nay, từ những ngày bắt đầu khai thác Tân Cảng Cát Lái, từ khi đường Mai Chí Thọ đi vào sử dụng và mở rộng nâng cấp đường Đồng Văn Cống. Với tình hình này, viễn cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm và các khu đô thị phía Đông của TP HCM chắc khó thành công, hệ lụy phá vỡ một hướng phát triển đô thị hết sức kỳ vọng của TP càng lúc càng thấy rõ. Đến lúc phải xem lại quy hoạch, thiết kế và quản lý khai thác cảng Cát Lái hiện nay, cả định hướng phát triển cụm cảng biển khu vực TP HCM và các địa phương xung quanh, trước khi quá muộn.

Cảng Cát Lái (bao gồm cả Phú Hữu) rộng khoảng 170 ha, cầu cảng dài 1.950 m, đang là cảng container lớn nhất nước, công suất trên 4 triệu TEUs. Nếu kể cả các cảng xung quanh do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý, cảng container TP HCM vẫn là cảng lớn thứ 24 thế giới (năm 2016), khai thác xấp xỉ 6 triệu TEUs mỗi năm. Phân tích về bài toán logistics, cảng Cát Lái vẫn là tối ưu khi so với cảng Cái Mép Thị Vải và cảng Hiệp Phước, khi mà vận chuyển container lên xuống cảng chỉ bằng đường ô tô, không có hệ thống đường sắt và đường sông thì què quặt. Hàng container của TP HCM và các tỉnh lân cận đều tập trung về Cát Lái, lượng xe container ra vào cảng hằng ngày từ 10.000 xe đến 20.000 xe thường xuyên gây ùn tắc và tai nạn giao thông cho các phương tiện giao thông khác nên không có gì ngạc nhiên.

Cảng phát triển thì kinh tế đô thị cũng phát triển. Tuy nhiên, cuộc “hôn nhân” giữa đô thị và cảng biển cũng phải tuân theo quy luật cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Khi quy mô đô thị và cảng cùng phát triển, rắc rối đầu tiên xảy ra ở vùng tiếp giáp giữa cảng và đô thị như kẹt xe, tai nạn, ô nhiễm môi trường… và sau đó lan tỏa cả khu vực lớn của TP.

Nhìn lại quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) đã được phê duyệt năm 2014, Cát Lái chỉ là một cảng container trước mắt, còn lâu dài vẫn là Hiệp Phước, nhưng cũng không nói rõ quy hoạch công suất 2 cảng này là bao nhiêu TEUs, không có đường sắt vào Cát Lái. Bộ Giao thông Vận tải chỉ tập trung vào cụm cảng Vũng Tàu cả hạ tầng lẫn công suất. Tầm nhìn đã không rõ, quy hoạch mù mờ như vậy, đã đến lúc TP HCM và Tổng Công ty MTV Tân Cảng Sài Gòn cần tổ chức nghiên cứu nghiêm túc vấn đề quy mô cảng Cát Lái phát triển đến đâu, các tác động đến việc phát triển TP về phía Đông ra sao, ảnh hưởng cảng container đến giao thông khu vực xung quanh và giao thông TP thế nào, lộ trình thay thế dần bằng cảng Hiệp Phước tới đâu… Phải rõ ràng các vấn đề chiến lược này thì mới có các giải pháp cứu nguy khả thi cho câu chuyện “quá tải” của cảng Cát Lái. Nếu không, các giải pháp tình thế như cầu vượt Mỹ Thủy, đường riêng cho xe container (cả đường trên cao, đường sắt), cảng cạn, vận tải đa phương thức, thậm chí nâng cao năng lực thông qua cảng…, chỉ gây lãng phí mà thôi.

Phạm Sanh
NLD