Nông sản xuất khẩu hụt hơi

Ngoài sản phẩm điều có nhiều tự tin bước vào năm 2017, các mặt hàng nông sản chủ lực khác của Việt Nam như cà phê, gạo… lại bắt đầu 1 năm với nhiều lo lắng vì kim ngạch xuất khẩu có thể chỉ bằng, thậm chí thấp hơn so với năm ngoái.

Điều tự tin nhờ công nghệ

Cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa nông dân với DN chế biến, cung ứng xuất khẩu và hệ thống logistics để hình thành chuỗi sản xuất, phân phối mới thúc đẩy được việc đưa hạt gạo Việt Nam đi xa hơn.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương

Trong 11 năm liên tiếp, Việt Nam là nước chế biến xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, với tỷ trọng khoảng 28% lượng điều thô chế biến và 42% lượng điều nhân xuất khẩu toàn cầu trong năm 2016. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2016 Việt Nam đã xuất khẩu được 348.000 tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu 2,84 tỷ USD, tăng 5,6% về lượng và tăng 18,4% về trị giá so với năm 2015. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đặt kế hoạch trong năm 2017 sẽ xuất khẩu 360.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch 3 tỷ USD.

Xuất khẩu đạt kết quả ấn tượng, nhưng ngành điều vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu thô để chế biến. Chỉ tính riêng trong năm 2016, để có kim ngạch xuất khẩu 2,84 tỷ USD, các DN trong ngành điều đã phải nhập khẩu điều thô với khối lượng lớn nhất từ trước đến nay là 1,06 triệu tấn, tăng 14% so với năm ngoái. Và năm nay dự kiến lượng điều thô nhập khẩu sẽ đạt khoảng 1,1 triệu tấn. Nguồn điều thô nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia và các nước châu Phi, trong đó phần lớn là Bờ Biển Ngà.

Trao đổi với ĐTTC xung quanh việc tìm một giải pháp cho vấn đề nguyên liệu của ngành, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho rằng chúng ta không nên coi việc nhập khẩu điều thô là quá nguy hiểm, yếu thế. Ngược lại việc nhập điều thô về chế biến sâu khi xuất nâng giá trị thêm 30, 40% là rất tốt.

Vấn đề đặt ra là các DN phải tạo dựng mối quan hệ tốt với nước sản xuất điều thô, thu mua nguyên liệu có chất lượng cao, tìm phương thức thanh toán an toàn. Có thể nói công nghệ chế biến sâu đã trở thành chiếc chìa khóa đưa Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia chế biến nhân điều và xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới.

 Cà phê, gạo thấp thỏm

2016 cũng là năm thành công của mặt hàng cà phê. Cụ thể, xuất khẩu cà phê đạt 1,79 triệu tấn, đem về 3,36 tỷ USD, tăng 33,6% về lượng và 25,6% về giá trị so với năm 2015. Tuy nhiên, sang năm 2017, lượng và kim ngạch xuất khẩu dự báo sẽ không tăng mạnh như năm 2016 do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan. Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo, xuất khẩu năm 2017 chỉ đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm 20-30% so với năm 2016.

Song gạo đã có 1 năm hụt hơi thấy rõ. Kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2016 chỉ thu về được gần 2,2 tỷ USD, giảm tới 22% so với năm 2015. Không những vậy, lượng gạo xuất khẩu cũng ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua khi chỉ đạt 4,8 triệu tấn. Hậu quả là ngành gạo rớt khỏi top 3 nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam. Dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho năm 2017 cũng rất khiêm tốn khi đưa ra con số 5 triệu tấn xuất khẩu, tức chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh so với năm 2016.

Nói về nguyên nhân xuất khẩu gạo sụt giảm trong năm 2016,  ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng chủ yếu bởi nguồn cung gạo trên thế giới vượt quá xa so với cầu. Trước đây Việt Nam đứng trong top các quốc gia xuất khẩu gạo mạnh nhất và chỉ đứng sau Thái Lan về sản lượng gạo xuất khẩu, nhưng nay đã có rất nhiều thị trường tham gia lĩnh vực này. Thí dụ thị trường gạo xuất khẩu có sự vào cuộc của Campuchia, một gương mặt mới nổi nhưng đã ghi được nhiều dấu ấn. Ngoài ra, việc Ấn Độ thay đổi phương thức, từ một nước giữ gạo để tự cung ở thị trường nội địa chuyển sang mở cửa xuất ồ ạt ra thị trường thế giới cũng gây ra áp lực lớn cho gạo xuất khẩu của Việt Nam…

 

Chế biến hạt điều xuất khẩu.

Song, vấn đề chính là làm sao tạo thương hiệu cho hạt ngọc của Việt Nam để làm sao chỉ cần xuất ở mức 2-3 triệu tấn/năm cũng mang về giá trị cao. Việt Nam luôn tự hào là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nhưng lần tìm những thương hiệu gạo chất lượng “made in Vietnam” lại không dễ dàng.

GS.Võ Tòng Xuân, nhà nông học nổi tiếng đã dành nhiều tâm huyết của mình cho hành trình xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, nhận định: “Cần tạo điều kiện khuyến khích DN đầu tư vào kinh doanh và xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo. Cụ thể, hướng vào mặt hàng gạo chất lượng cao, giá trị cao với số lượng không nhiều cần tạo điều kiện khuyến khích xuất khẩu cũng như không áp dụng những điều kiện quá sức về kho chứa, nhà máy”.

Cần nhiều giải pháp

Thời gian qua rất nhiều DN xuất khẩu gạo kêu than về Nghị định 109 bởi những điều kiện gây khó cho DN như: DN xuất khẩu phải có kho đủ khả năng chứa 5.000 tấn gạo, có nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ; DN muốn xuất khẩu phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam; hay việc kiểm soát giá, không bán gạo dưới giá sàn cũng là điều chưa thực sự hợp lý…

Trước thực tế này, ngay những ngày đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và được chấp thuận bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Bộ cũng đồng thời thành lập ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP theo hướng mở rộng cơ hội kinh doanh, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận thị trường và khai thác các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo.

Các giải pháp thị trường cũng được người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh gồm nhiều nội dung, từ điều hành trong xuất khẩu gạo, đến biện pháp bảo đảm ổn định về chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, nhất là giá thành để phù hợp với tính đặc thù từng thị trường. Năm 2017 sẽ là năm nhiều công việc cho ngành gạo, quyết tâm của Bộ Công Thương chỉ là mở đường và rất cần có sự vào cuộc của các DN, các nhà khoa học và nông dân để hạt gạo Việt Nam tìm được vị trí thực sự của mình trên thị trường thế giới.

Không chỉ riêng hạt gạo, mà với tất cả mặt hàng nông sản của Việt Nam đều cần phải có những chiến lược bền vững và lâu dài. Chưa tính câu chuyện thị trường mà ngay trong nội tại ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thay đổi nghiêm trọng của khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn. Và cà phê là một thí dụ điển hình.

Do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, cà phê có thể sẽ giảm sản lượng xuất khẩu xuống 20-30% so với năm trước. Nhiều ý kiến cho rằng sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết cũng nên được xem là cơ hội tái cơ cấu cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Không chỉ chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, nông sản Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức trước xu hướng bảo hộ mậu dịch của nhiều nước. Rất nhiều khó khăn bủa vây đến nông sản cũng như ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung, nếu không chuyển đổi thích ứng cho phù hợp khó khăn sẽ ngày càng nhiều và cơ hội tận dụng những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và sẽ ký kết cũng không như kỳ vọng.

Thái Hà

Theo ĐTTCO