SƠ LƯỢC VỀ CHUỖI CUNG ỨNG

CHUỖI CUNG ỨNG LÀ GÌ? 

Chuỗi cung ứng là chuỗi gồm nhiều thành phần tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp, được xây dựng để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Những thành phần đó bao gồm:nhà sản xuất, nhà cung cấp, đại lý bán lẻ, khách hàng, kho bãi, vận tải,…

  • Ngoài dòng nguyên vật liệu và sản phẩm, chuỗi cung ứng còn có sự tham gia của dòng thông tin và dòng vốn giữa các thành phần.
  • Xét dưới góc độ của một công ty, chuỗi cung ứng của một công ty bao gồm tất cả các phòng ban của công ty đó (phòng phát triển sản phẩm, phòng marketing, phòng kinh doanh, phòng tài chính, phòng nhân sự, phòng hậu cần, phòng dịch vụ khách hàng). Các phòng ban liên kết với nhau nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu khách hàng.
  • Một chuỗi cung ứng điển hình bao gồm các thành phần:
  1. Khách hàng
  2. Đại lý bán lẻ
  3. Nhà phân phối
  4. Nhà sản xuất
  5. Nhà cung cấp nguyên liệu thô

SƠ LƯỢC VỀ CHUỖI CUNG ỨNG

Nguồn: Quản lý chuỗi cung ứng – Thiết kế, hoạch đinh và vận hành – Peter Meindl

MỤC TIÊU CỦA CHUỖI CUNG ỨNG:

Mục tiêu của một chuỗi cung ứng là tối đa tổng giá trị (value) của chuỗi tạo ra. Giá trị của chuỗi được tạo ra từ sự chêch lệch giữa giá trị sản phẩm mà khách hàng mua (giá trị của khách hàng – customer value) với tổng chi phí phát sinh trong chuỗi để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

capture

Đối với hầu hết các chuỗi cung ứng thương mại, giá trị của chuỗi tạo ra (value) có liên quan mật thiết đến lợi nhuận chuỗi cung ứng (Supply chain surplus). Lợi nhuận này là hiệu số giữa doanh thu từ khách hàng và chi phí sản xuất sản phẩm.

Ví dụ: Một khách hàng mua một chai nước suối Dasani của công ty Cocacola Việt nam với giá 5000 VNĐ ở siêu thị tiện lợi Family Mart:

  • Các chi phí của chuỗi cung ứng trên gồm: chi phí vỏ chai, chi phí khử trùng nước, chi phí đóng gói, chi phí bảo quản, chi phí vận chuyển, chi phí quảng cáo, chi phí quản lý.
  • Hiệu giữa 5000 VNĐ và tổng chi phí trên là lợi nhuận của chuỗi cung ứng.
  • Lợi nhuận của chuỗi cung ứng là tổng lợi nhuận được chia sẻ cho tất cả thành phần tham gia trong chuỗi.

– Lợi nhuận của chuỗi cung ứng càng cao thì chuỗi cung ứng càng hiệu quả.

– Sự thành công của chuỗi cung ứng nên được đo lường bằng lợi nhuận của cả chuỗi, không phải bằng lợi nhuận của các thành phần.

– Khách hàng của nguồn thu duy nhất của chuỗi cung ứng.

– Mọi dòng thông tin, dòng sản phẩm và dòng vốn đều tạo ra chi phí trong chuỗi. Vì vậy, việc quản lý hiệu quả các dòng này đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của chuỗi.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC THIẾT KẾ, HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC CỦA CHUỖI CUNG ỨNG:

Việc thiết kế, hoạch định chiến lược đóng vai trò cực kì quan trọng, mang tính quyết định thành công của công ty. Để giữ ưu thế cạnh tranh, chuỗi cung ứng của công ty phải luôn chủ động thích nghi với sự thay đổi của khoa học công nghệ và yêu cầu của khách hàng.

Những doanh nghiệp thành công trong việc thiết kế và xây dựng chuỗi cung ứng: Wal- Mart, Dell, Seven – Eleven Japan,…

CÁC GIAI ĐOẠN TRONG VIỆC THIẾT LẬP CHUỖI CUNG ỨNG:

Có 3 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn thiết kế: Định hình chuỗi cung ứng trong những năm tiếp theo
  • Giai đoạn hoạch định: Lên kế hoạch hoạt động chuỗi cung ứng cho từng năm, từng quý
  • Giai đoạn vận hành: Lên kế hoạch vận hành chuỗi cung ứng cho từng tháng, từng tuần

1. Giai đoạn thiết kế:

Thiết kế cấu trúc của chuỗi cung ứng trong những năm tiếp theo và các thành phần tham gia trong chuỗi cung ứng. Đưa ra những quyết định mang tính lâu dài như:

>> Địa điểm xây dựng, năng lực sản xuất của các nhà xưởng, nhà máy, kho bãi và trung tâm phân phối.

>> Số lượng và chủng loại các sản phẩm sẽ sản xuất, lưu trữ, phân phối và thành phần thực thi.

>> Các loại phương tiện vận chuyển.

>> Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.

Việc thiết kế cấu trúc chuỗi cung ứng phải phù hợp với thị trường và hỗ trợ chiến lược phát triển của công ty.

Việc thiết kế cấu trúc chuỗi cung ứng mang tính chất lâu dài và rất tốn kém. Vì vậy công việc thiết kế cấu trúc chuỗi cung ứng phải luôn tính đến yếu tố biến động của thị trường.

2. Giai đoạn hoạch định

  • Tính toán những định mức cơ bản mang tính ngắn hạn như: tồn kho an toàn (safety stock, lead-time, … cho các thành phần tham gia chuỗi cung ứng.
  • Dự báo nhu cầu thị trường cho năm tiếp theo.
  • Lập ra những chính sách vận hành cơ sở như:

>> Chính sách phân phối: Khu vực hoạt động của các trung tâm phân phối,…

>> Chính sách tồn kho: tồn kho an toàn, quy chuẩn sắp xếp kho, …

>> Chính sách thuê ngoài (outsourcing): Số lượng doanh nghiệp thuê ngoài, chính sách cho doanh nghiệp thuê ngoài.

>> Chính sách khuyến mãi: sản phẩm khuyến mãi, thời gian khuyến mãi, quy mô khuyến mãi.

Việc hoạch định phải cân nhắc nhu cầu thị trường, tỷ giá mua bán, sự cạnh tranh của các đối thủ,….

3. Giai đoạn vận hành

  • Lập ra kế hoạch sản xuất, phân phối, vận chuyển theo ngày, theo tuần.
  • Những quyết định đưa ở giai đoạn này chủ yếu để phục vụ yêu cầu khách hàng.
  • Tuân thủ những quy định và chính sách ở những giai đoạn trên.
  • Những hoạt động cơ bản:

>> Nhận đơn hàng từ khách hàng

>> Xử lý đơn hàng trước ngày khách hàng yêu cầu

>> Lập danh sách kế hoạch vận chuyển hàng cho khách hàng

>> Bổ sung các mặt hàng còn ít trong kho

Giai đoạn này ít quan tâm đến biến động thị trường, chủ yếu tập trung vào phục vụ yêu cầu của khách hàng.