Xuất nhập khẩu 2016: Hụt chỉ tiêu để thấy rõ giá trị hàng hóa

Dù vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra nhưng nếu biết cách gia tăng giá trị sản phẩm xuất nhập khẩu sẽ thu về nhiều hơn lợi nhuận.

ttxvn-0507-tpp-1467684249275-1467687613421-crop-1467687670205

Nhìn lại hoạt động xuất – nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2016 có thể nhận thấy, xuất khẩu vẫn không đạt chỉ tiêu tăng trưởng 10% với kim ngạch 178 tỷ USD và tỷ lệ nhập siêu duy trì dưới mức 5%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 ước tính đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm trước. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2016 ước tính đạt 173,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tính chung cả năm 2016 xuất siêu 2,68 tỷ USD.

Khó khăn của kinh thế thế giới và của Việt Nam trong năm qua đã khiến hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bị giảm tỷ trọng xuất khẩu. Cuối tháng 12 này, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) báo cáo kim ngạch xuất khẩu năm 2016 chỉ đạt khoảng 28,3 tỷ USD, thấp hơn chỉ tiêu 29 tỷ USD đã đề ra.

xuat nhap khau 2016 hut chi tieu de thay ro gia tri hang hoa hinh 1
Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2016 chỉ đạt khoảng 28,3 tỷ USD.

Ngoài một số điểm sáng về xuất khẩu thủy sản và rau quả, trong suốt cả năm qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn trong tình thế khó khăn. Dự kiến, xuất khẩu gạo chỉ đạt 5 triệu tấn, giảm khoảng 1,5 triệu tấn, giảm gần 18% về lượng và giảm trên 20% về giá trị do không được lợi về giá so với năm 2015.

Nhóm hàng các mặt hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng bị ảnh hưởng chung về giá đã khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh. Nhóm hàng hóa chất, phân bón, xi măng giảm cả về lượng và giá trị do nhu cầu nhập khẩu giảm.

Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm sâu đáng kể là các mặt hàng thuộc khối doanh nghiệp FDI như máy vi tính, linh kiện điện tử. Mặt hàng điện thoại và linh kiện chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng giảm còn 10% với kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ ước đạt trên 33 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đến giữa tháng 12 vẫn tăng hơn 6,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm như thức ăn gia súc và nguyên liệu, xăng dầu và phương tiện vận tải thì một số mặt hàng nông sản lại tăng như ngô, đậu tương, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…có hướng gia tăng.

Đặc biệt đối với thép nhập khẩu, trong năm qua, Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu. Nhưng sau đó, có hiện tượng một số doanh nghiệp thay đổi mã nhập khẩu đối với thép cuộn nhằm mục đích không chịu thuế hoặc chịu thuế suất thấp, gây tác động tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước.

Bất lợi đã được lường trước

Bên cạnh những khó khăn về thị trường, sức cạnh tranh ngày càng tăng cao, bất lợi về giá… một thực tế cho thấy công tác xuất khẩu năm 2016 của nhiều ngành còn đang thiếu những bước đi vững chắc.

Mấy năm gần đây, trong nhiều báo cáo của Bộ Công Thương đều đề cập đến yếu tố giá làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu xuất khẩu. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã từng thừa nhận, xuất khẩu trong năm 2016 còn gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị tại các thị trường chủ lực làm giảm nhu cầu tiêu dùng, kéo theo giá giảm. Điển hình là nhóm hàng nông, thủy sản không được lợi về giá, do giá nông sản thế giới vẫn ở mức thấp.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – ông Vũ Đức Giang thừa nhận, năm 2016 là năm khó khăn nhất đối với ngành dệt may khi mức tăng trưởng chỉ đạt xấp xỉ 5%.

“Những năm trước dệt may có tốc độ tăng trưởng khá cao (trên 10%), nhưng năm nay nhiều doanh nghiệp dệt may rơi vào tình trạng “ăn đong” và thiếu đơn hàng trầm trọng. Trong khi đó, giá xuất khẩu cũng giảm so với năm 2015 đã kéo theo mức tăng trưởng của ngành dệt may thấp nhất trong 10 năm qua”, ông Giang cho biết.

Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, bà Phan Thị Thanh Xuân, nguyên nhân cơ bản khiến xuất khẩu da giày không đạt mục tiêu là do kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường xuất khẩu lớn có biến động khá mạnh.

“Ngay tại thị trường Đức và thị trường Anh vốn là 2 thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp da giày Việt Nam, trong năm 2016, lượng xuất khẩu đã giảm trung bình đến 30%, thậm chí có những doanh nghiệp lượng xuất khẩu giảm đến 60%”, bà Xuân cho biết.

Hướng tăng giá trị ở ngành hàng có lợi thế

Từ những yếu tố bất lợi của hoạt động xuất – nhập khẩu trong năm vừa qua, có thể nhận thấy xuất khẩu của Việt Nam đã cần thiết phải có một sự đột phá, làm thay đổi căn bản về chất, trong đó cần chú trọng đến vấn đề gia tăng giá trị sản phẩm để thu về nhiều lợi nhuận hơn.

Theo như ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu đạt được so với con số 10% đặt ra trong năm nay vẫn còn là một khoảng cách. Tuy nhiên, bên cạnh các con số thuần túy vẫn cần phải nhìn nhận giá trị chất lượng đằng sau những con số đó.

“Bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, Việt Nam đã chú trọng đến việc điều chỉnh các ngành hàng để không chỉ chiếm lĩnh được thị trường mà còn phải chiếm lĩnh được các ngành hàng Việt Nam có lợi thế. Cách đây 5 năm, Việt Nam không thể nghĩ được rằng sẽ là một điểm sáng trong làng công nghệ hoặc cơ sở sản xuất điện thoại di động. Nhưng hiện nay Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới trong lĩnh vực này”, ông Hải định hướng.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng, trong thời điểm hiện nay, không có sản phẩm nào Việt Nam có thể sản xuất từ đầu đến cuối. Nhất là khi đã chấp nhận tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam phải chấp nhận chỉ là một khâu trong đó.

“Việc Nam sẽ chọn khâu nào trong chuỗi giá trị để có thể thu được lợi ích tối đa và mang về giá trị nhiều nhất? Trong thương mại quốc tế, giá trị lớn thường nằm ở hạ nguồn như phân phối, thương hiệu và phát triển sản phẩm. Còn những khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, sản xuất cũng đem lại giá trị nhưng thường là thấp hơn”, ông Hải nhận định.

Đánh giá về kim ngạch nhập khẩu năm vừa qua, ông Hải cho rằng, nhập khẩu cũng có tác dụng tốt khi đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế cũng như đời sống, đặc biệt là các nguyên liệu, kích thích việc tái cơ cấu kinh tế giúp Việt Nam lựa chọn được các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao nhất để sản xuất.

“Nhập khẩu về cơ bản cân bằng với xuất khẩu và góp phần đảm bảo chỉ số duy trì ổn định. Nó cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có các hoạt động gia công, từng bước tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Hải cho biết./.

Nguyễn Quỳnh/VOV