Dự đoán luôn là việc làm hấp dẫn, dù thường có khoảng cách với thực tế. Đầu năm Ất Mùi, thử điểm lại xem các chuyên gia kinh tế nói gì về những ngành nghề có triển vọng sáng sủa trong năm 2015 và ngược lại.
Tiến trình mở cửa rất mạnh mẽ từ năm 2015 sẽ thúc đẩy ngành dệt may phát triển
Không hẹn mà nên, các chuyên gia và nhà quản lý kinh tế đã lên tiếng trên công luận chia sẻ khá nhiều nhận định tương đồng. Dù ngay cả những nhận định có sự đồng thuận cao không phải luôn luôn đúng, nhưng cũng rất đáng tham khảo.
Ngách mới: Bất động sản liên quan đến logistics?
Dù cho rằng “khó có thể nói thị trường bất động sản đã hồi phục”, vì tồn kho vẫn còn lớn; hoạt động của thị trường vẫn chưa đủ để hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, trong khi lượng hàng mới “bung” trong năm 2015 vẫn còn lớn; song TS Võ Trí Thành nhìn nhận, năm 2014, thị trường bất động sản đã có một số dấu hiệu tích cực. Tồn kho giảm khoảng 40 – 50%; giao dịch tăng, đặc biệt là phân khúc nhà “bình dân” và ở một số khu nhà trung cao cấp có vị trí tốt. Tín dụng cho bất động sản tăng và bất động sản đứng thứ tư trong hoạt động M&A. “Với sự phục hồi tiếp tục của nền kinh tế, việc đi vào thực thi các luật (kinh doanh bất động sản, nhà ở…) cùng với việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, thị trường bất động sản năm 2015 sẽ có bước chuyển biến tích cực hơn nữa”, chuyên gia này bình luận. TS Thành gợi ý thêm: “Trong thời gian tới, bất động sản liên quan đến logistics cũng có thể là một lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài”.
Có vẻ như các nhà đầu tư nước ngoài cũng có cùng cảm nhận với ông Thành về sự ấm nóng của thị trường bất động sản: trong 2-3 năm gần đây, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào mọi phân khúc, từ nhà bình dân, nhà cao cấp cho đến văn phòng, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng…
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng củng cố thêm luận điểm này thông qua việc cung cấp số liệu về tín dụng cho bất động sản: đến ngày 30/11/2014 cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản của hệ thống ngân hàng đạt 16,42%; cao hơn mức tăng bình quân. Riêng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, tính đến ngày 15/12/2014, có 10.904 khách hàng được ký hợp đồng tín dụng với tổng số tiền cam kết cho vay từ các ngân hàng là 9.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 31,33% tổng nguồn vốn dành cho chương trình, tăng 5 lần so với 31/12/2013.
“Ngày 21/8/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 61 để bổ sung sửa đổi Nghị quyết 02 và ngay sau khi Chính phủ có nghị quyết ngày 25/8/2014, NHNN đã ban hành Thông tư 32 để sửa đổi Thông tư 11. Với việc sửa đổi này, dự kiến kết quả triển khai sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu của người dân”, bà Hồng nói thêm.
Nông sản có lợi thế, nếu…
Tiến trình mở cửa (rất mạnh mẽ từ năm 2015) được các chuyên gia cho là sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh của những ngành vốn có lợi thế so sánh như: dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, một số nông sản. “Bên cạnh cơ hội tiếp cận với thị trường nước ngoài, tăng xuất khẩu thì thuế nhập khẩu giảm xuống 0% rất có lợi cho các sản phẩm như dệt may, da giày, hàng điện tử, đồ gỗ, gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản”, TS Lê Đăng Doanh phân tích. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần nắm vững những yêu cầu cao hơn về mẫu mã, bao bì, đóng gói, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, trách nhiệm xã hội… Những yêu cầu đó là rất cao và rất khắc nghiệt, nếu không đáp ứng được thì không thể mở rộng xuất khẩu.
Đáng lưu ý, vừa qua đã có những bước đi trên thực tế cho thấy doanh nghiệp nông nghiệp đang có cơ hội hợp tác sâu rộng với Nhật Bản. Đối tác Nhật Bản đã có những hoạt động hợp tác chặt chẽ với tỉnh Lâm Đồng để sản xuất rau, củ, quả, hoa; hợp tác với Phú Yên để đánh bắt cá ngừ đại dương và đã đem lại những kết quả tích cực bước đầu. TS Võ Trí Thành cho rằng, mở cửa thương mại cũng gắn liền với đầu tư, tạo nên các mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong kinh doanh. Nhờ đó, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn để đầu tư trong các lĩnh vực như: điện tử, chế biến thực phẩm, dệt may… Việt Nam – cũng như nhiều nước ASEAN có dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang nổi lên – còn có thể trở thành những thị trường hấp dẫn cho các ngành bán lẻ, giải trí, du lịch. Thương mại điện tử cũng là một lĩnh vực hứa hẹn.
…và khoảng xám
Theo TS Lê Đăng Doanh, trong tiến trình đàm phán Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU), sở hữu trí tuệ là một vấn đề rất gay go. Các đối tác đòi Việt Nam phải tuân thủ gắt gao các luật pháp quốc tế về sở hữu trí tuệ như: bí quyết công nghệ, bằng phát minh sáng chế, nhãn mác… Nếu những yêu cầu này của các đối tác được chấp nhận, ngành công nghiệp dược phẩm và thuốc thú y của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ngược lại, do doanh nghiệp Việt Nam chưa chú ý đầy đủ đến việc đăng ký thương hiệu, đăng ký bản quyền sáng chế, phát minh, bí quyết công nghệ nên đã phải chịu nhiều thua thiệt, điển hình như vụ gạo, dừa Bến Tre hay cà phê Ban Mê Thuật bị “cướp” mất thương hiệu. Đã có những doanh nghiệp Việt Nam có thành công đáng ghi nhận trong lĩnh vực này như Vinamilk, Sứ Minh Long, Bóng đèn phích nước Rạng Đông… nhưng số này còn ít.
Ngành thép, vốn đã thường xuyên phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài, kể cả trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn duy trì một mức độ bảo hộ nhất định, cũng sẽ phải dè chừng hơn nữa. Vừa qua, kết thúc đàm phán Hiệp định khu vực mậu dịch tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan), nhiều doanh nghiệp ngành này đã tỏ ra rất lo ngại về nguy cơ cạnh tranh từ thépnhập khẩu từ các quốc gia trong liên minh này. “Doanh nghiệp phải hiểu rõ luật chơi để có thể dùng các biện pháp tự vệ phù hợp cam kết để bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, chỉ nên tập trung vào những phân khúc có lợi thế; từ đó xây dựng chiến lược dài hơi hơn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Thành khuyến nghị.
Đâu là cơ hội? * Theo TS Lê Đăng Doanh, một số lĩnh vực như dệt may, da giày, điện thoại di động và một số hàng nông sản Việt Nam có năng lực cạnh tranh nhất định. Một số sản phẩm như mía đường, đậu tương, ngô, hay các sản phẩm chăn nuôi sẽ chịu sức ép lớn. |