Thương mại điện tử đang bùng nổ và là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Tuy nhiên, mua bán hàng qua mạng cũng không thể hoàn toàn loại bỏ khâu vận chuyển truyền thống. Thương mại điện tử muốn phát triển mạnh, không thể thiếu các dịch vụ logistics và chuyển phát chất lượng.
Có thể phân chia sản phẩm mua bán trực tuyến thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là các sản phẩm vô hình có thể số hóa được, chẳng hạn như nhạc, phần mềm máy tính, trò chơi trực tuyến… Nhóm thứ hai là các sản phẩm hữu hình, có trọng lượng và thể tích, không thể số hóa được, chẳng hạn như ô tô, tủ lạnh, quần áo, máy tính… Dịch vụ logistics và chuyển phát là một mắt xích then chốt khi mua bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình.
Nhu cầu nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics và chuyển phát hỗ trợ thương mại điện tử
Thương mại điện tử ở Việt Nam đã hình thành từ đầu những năm 2000 và phát triển khá nhanh trong vài năm gần đây.
Hàng năm Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tiến hành khảo sát các doanh nghiệp và các đối tượng liên quan tới thương mại điện tử trên phạm vi cả nước. Trong thập kỷ trước, những khó khăn lớn tác động tới sự phát triển thương mại điện tử là hạ tầng pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin và Internet và nguồn nhân lực. Từ năm 2011 tới nay, kết quả khảo sát cho thấy dịch vụ logistics và chuyển phát ở Việt Nam mặc dù đã phát triển khá nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thương mại điện tử.
Sự phát triển mạnh mẽ của Internet ở Việt Nam những năm gần đây đã tạo đà cho sự phát triển nhanh chóng của mua bán trực tuyến sản phẩm số hóa. Tuy nhiên, với hàng hóa là các sản phẩm hữu hình, dù cho các khâu tìm kiếm sản phẩm, giao kết hợp đồng, thanh toán… có thể thực hiện trên môi trường trực tuyến nhưng công đoạn giao hàng từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng cuối cùng gắn chặt với dịch vụ logistics và chuyển phát.
Tỷ lệ chi phí dành cho dịch vụ logistics và chuyển phát khá cao trong giá bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình là một trong các yếu tố dẫn tới giá mua hàng trực tuyến chưa thấp hơn đáng kể so với mua theo phương thức truyền thống. Đồng thời, chất lượng của dịch vụ chuyển phát chưa cao. Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin năm 2013 về những trở ngại trong mua sắm trực tuyến, có tới 40% người tiêu dùng cho biết giá mua trực tuyến không thấp hơn so với mua trực tiếp. Một mặt, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử phải tự triển khai dịch vụ giao hàng. Mặt khác, người tiêu dùng còn e ngại về thời gian giao hàng chưa đúng cam kết, khó truy tìm định vị hay trả lại hàng đã mua. Cũng theo kết quả khảo sát trên, có 38% người tiêu dùng đánh giá dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới việc mua hàng trực tuyến chưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng.
Nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics và chuyển phát hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử
Mua bán trực tuyến sản phẩm hữu hình gắn chặt với dịch vụ chuyển phát cũng như dịch vụ logistics.
Các doanh nghiệp chuyển phát cần chú trọng tới việc hiện đại hóa quản lý, trang thiết bị, đặc biệt phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực cũng như với các doanh nghiệp logistics. Đồng thời các doanh nghiệp chuyển phát cũng cần chủ động bắt tay với các doanh nghiệp thương mại điện tử, xác định thị phần thương mại điện tử sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hoạt động của doanh nghiệp.
Phiên họp Ban Tổ chức lần 1 Ngày mua sắm trực tuyến 2014, với nhiều ý tưởng về khuyến mại giao nhận cho khách hàng mua sắm online
Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát tiến tới có thống kê tin cậy về dịch vụ logistics và chuyển phát. Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các điều kiện kinh doanh hai loại dịch vụ này cần có các dự báo về thị trường, các chính sách, biện pháp khuyến khích. Dịch vụ logistics và chuyển phát không chỉ liên quan tới Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông mà còn liên quan tới một số bộ ngành khác như Bộ Giao thông vận tải (vận tải, bốc dỡ), Bộ Tài chính (hải quan, thuế) hay Bộ Tài nguyên và Môi trường (kho bãi). Vì vậy, sự phối hợp giữa các bộ ngành trong việc ban hành các chính sách và giải pháp khuyến khích sự phát triển của hai dịch vụ này có ý nghĩa quan trọng.
Các hiệp hội liên quan tới thương mại điện tử, logistics, chuyển phát, vận tải… cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại và chuyển phát ở địa phương cũng cần triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy sự liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
Nguồn: VECOM