Xuất khẩu trực tuyến, cơ hội cần nắm bắt

Việc gia nhập những nền tảng thương mại điện tử B2B (Business to Business) giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, mở rộng được cơ hội tiếp cận được thị trường toàn cầu, giảm chi phí liên quan đến xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu.

e_commerce

Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng internet chiếm hơn 60% dân số, đây là con số được đánh giá cao hơn mức trung bình thế giới. Có thể nói con số này đặc biệt có ý nghĩa đối với những ngành nghề kinh doanh trực tuyến, trong đó, mở ra phương thức xuất nhập khẩu trực tuyến.

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, có 32% DN vừa và nhỏ của Việt Nam đã thiết lập kinh doanh với các đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Thời gian gần đây, hai "ông lớn" bán lẻ trực tuyến của thế giới là Amazon và Alibaba đã triển khai các chương trình tìm kiếm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam thiết lập các gian hàng thông qua mạng lưới bán lẻ của họ.

Alibaba.com đã "bắt tay" với Fado.vn (sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới của Việt Nam) để giúp các công ty vừa và nhỏ chưa có đủ nhân sự xuất khẩu (XK) chuyên nghiệp, chưa có kinh nghiệm, chưa am hiểu thị trường nước ngoài có thể chủ động chào hàng ra thị trường các quốc gia khác thông qua các gian hàng của tập đoàn này.

Trước đó, Amazon cũng tổ chức nhiều chương trình nhằm "chiêu mộ" các DNVVN tham gia mạng lưới bán hàng của mình. Ông Gijae Seong, Giám đốc Phát triển bán hàng toàn cầu Amazon Global Selling Đông Nam Á và Australia, cho hay doanh thu năm 2017 của Amazon là hơn 200 tỷ USD với 300 triệu người mua hàng. Tham vọng của Amazon là giúp các DN Việt Nam có thể ngồi tại Việt Nam bán hàng qua Mỹ, châu Âu mà không cần tới văn phòng.

Năm 2019, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) dự kiến sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ DNVVN tăng cường năng lực XK thông qua bán sản phẩm trên hệ thống bán lẻ trực tuyến. Điều này sẽ mở ra cơ hội XK, đặc biệt với các sản phẩm như thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày, sản phẩm tiêu dùng…

Việc gia nhập những nền tảng thương mại điện tử B2B (Business to Business) sẽ giúp DN xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, từ đó mở rộng được cơ hội tiếp cận được thị trường toàn cầu, giảm chi phí liên quan đến xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu. Thông qua kênh trực tuyến, DN ngồi trong văn phòng vẫn có thể giao dịch với khách hàng.Theo các chuyên gia, xuất khẩu qua kênh TMĐT có nhiều lợi thế như tăng hiệu quả tiếp cận, marketing đến khách hàng, giảm thời gian chuyển hàng, đặc biệt lợi nhuận có thể tăng gấp ba lần nếu so với XK theo cách truyền thống.

Bên cạnh đó, những cam kết về TMĐT trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng mang lại những cơ hội lớn về TMĐT. Việt Nam tuy không phải là một quốc gia có một nền tảng TMĐT mạnh trong các nước thành viên CPTPP nhưng lại có tiềm lực thị trường lớn. Khả năng phát triển, bùng nổ lĩnh vực này là có thể, đặc biệt là trong những thuận lợi mà CPTPP mang lại cho Việt Nam. Vì vậy, nắm vững những quy định của CPTPP về TMĐT cũng như nhận định chính xác các thách thức của Việt Nam hiện tại trong việc tuân thủ các cam kết quốc tế về TMĐT là đặc biệt quan trọng.

Để đạt được điều này, điều quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi toàn diện phương thức sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Khá nhiều DN ở Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vẫn còn e ngại việc ứng dụng xuất nhập khẩu trực tuyến, do kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử còn hạn chế.

Mặc dù ứng dụng thương mại điện tử đem lại rất nhiều tiện ích, tuy nhiên theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong số hơn 1.500 DN nhỏ và vừa đang tham gia xuất nhập khẩu, hiện chỉ có 49% DN có website về thương mại điện tử, 11% DN tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, 2% DN thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khuyến cáo, để đẩy mạnh XK, DN Việt Nam cần có chiến lược dài hạn xây dựng thương hiệu về sản phẩm và DN nhằm tăng cường sự tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu. DN nên xem xét, tích cực tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm, các kênh báo chí, truyền hình, đặc biệt tận dụng cơ hội mà TMĐT và kỷ nguyên thương mại số mang lại nhằm giúp DN nắm bắt thời cơ, quảng bá và đẩy mạnh XKTT./.