Theo Bộ Công Thương, báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2016 cung cấp thông tin trung thực, đưa ra kết quả và những cơ hội, thách thức trong tình hình mới.
Ngày 29/3, tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2016. Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2016 được xây dựng từ nguồn thông tin chính thức về tình hình xuất nhập khẩu từng nhóm ngành hàng, từng thị trường và công tác chỉ đạo của ngành Công Thương trong điều tiết, xúc tiến hoạt động xuất nhập khẩu với những phân tích và dự báo xác thực.
Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2016 sẽ là ấn phẩm hữu ích giúp cho các cơ quan hữu quan, các tổ chức kinh tế và các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin tham khảo phục vụ trong quá trình hoạch định chính sách và kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, qua đó giúp cho các doanh nghiệp phát triển ổn định và giảm thiể những rủi ro, tận dụng những cơ hội để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng bền vững.
Bộ Công thương cho hay, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu duy trì tốc độc tăng trưởng cao. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, thể hiện trên cả 2 phương diện quy mô và độ tăng so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 176,6 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2015. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đây là một kết quả khả quan trong tương quan so sánh với năm trước cũng như so sánh với các nước trong khu vực.
Tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện cán cân thanh toán, góp phần vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Đồng thời, tăng trưởng xuất khẩu cũng thể hiện sự phục hồi của sản xuất trong nước, góp phần tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, đằng sau những con số này vẫn còn ẩn chứa một số tồn tại cần nhanh chóng khắc phục để hướng tới sự phát triển bền vững và hiệu quả của xuất nhập khẩu.
Mặc dù tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến bắt đầu gia tăng, nhưng vẫn còn tình trạng xuất khẩu sản phẩm thô ở nhóm hàng khoáng sản và một số mặt hàng nông sản, hoặc xuất khẩu theo hình thức gia công và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (như đối với dệt may).
Chất lượng sản phẩm xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản còn chưa đồng đều, chủng loại còn đơn điệu. Năng lực cạnh tranh vẫn chưa được cải thiện nhiều, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao,… dẫn đến sự phát triển xuất khẩu chưa bền vững.
Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Quốc Khánh đánh giá, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2016 đã đánh giá tổng quan có hệ thống về những vấn đề cơ bản của hoạt động xuất nhập khẩu; cung cấp thông tin trung thực, chính xác, phản ảnh nhưng kết quả đạt được cũng như những cơ hội, thách thức và bước tiến mới của hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2016.
“Nội dung cung cấp trong Báo cáo đa dạng, toàn diện từ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu theo từng nhóm hàng, từng thị trường đến đàm phán, tổ chức thực hiện các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tình hình tận dụng các cơ hội do các FTA mang lại. Báo cáo cũng đề cập đến các vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động ngoại thương của Bộ Công Thương như xây dựng cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu; các chương trình xúc tiến thương mại cũng như các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, thuận lợi hóa thương mại và phòng vệ thương mại”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định./.