Cảng biển Hải Phòng: Phí chồng phí

(ĐTCK) Mới đây, phản ứng trước Nghị quyết 148 về thu phí cảng biển của Hải Phòng, Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) cùng các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp (DN) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ thi hành Nghị quyết 148 để các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiến hành đánh giá, xem xét lại toàn bộ các quy định.

Ngày 13/12/2016, HĐND TP. Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 148 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.

Văn bản này chính thức có hiệu lực từ 1/1/2017, khiến nhiều DN có số lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng bức xúc vì bị gia tăng mạnh chi phí cho thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo phản ánh của nhiều DN dệt may có lượng hàng lớn qua cảng Hải Phòng, các loại phí mới đã nằm trong các loại phí xuất nhập khẩu mà DN phải nộp cho Thành phố thông qua các công ty vận chuyển, công ty kinh doanh cầu cảng, kho bãi có sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển.

Với mức thu như quy định tại Nghị quyết 148, giả sử áp dụng cho khối lượng hàng hóa năm 2016, chi phí phát sinh cho một số DN như Tổng công ty Dệt may Hà Nội là 686 triệu đồng, May Tinh Lợi trên 2,2 tỷ đồng, May Hưng Yên 473 triệu đồng, Tổng công ty May 10 là 2,18 tỷ đồng và Tổng công ty Đức Giang là 5 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam, đây là phí chồng lên phí, gây thiệt hại lớn cho DN. Với lượng hàng xuất nhập khẩu lớn từ 150 – 400 container 40 ft/tháng/DN thì mỗi DN sợi dệt sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đến 2,4 tỷ đồng/năm cho các khoản thu này, chưa kể chi phí đi lại và chờ đợi làm thủ tục.

Bên cạnh đó, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam cho rằng, việc thu phí như trên làm suy giảm khả năng cạnh tranh và phát triển của ngành logistics, không tận dụng được lợi thế địa chính trị của Việt Nam trong thu hút hàng quá cảnh, hàng chuyển tải. Đặc biệt, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thực hiện dịch vụ logicstic, tốc độ lưu thông hàng hoá. Theo khảo sát các DN hội viên, trên 65% ý kiến cho rằng, với quy định mới, thời gian thực hiện đóng phí kéo dài thêm trên 90 phút cho một lô hàng.

Bên cạnh đó, theo số liệu của các DN và hiệp hội DN cung cấp, ít nhất sẽ có 18,75% DN làm thủ tục ở Hải Phòng bị lưu kho bãi qua 1 đêm, số còn lại mất khoảng 2 tiếng cho việc nộp phí (gồm cả khâu chuẩn bị).

Với các thông số về thời gian, chi phí thuê kho bãi do DN cung cấp, kết hợp với số liệu hàng hoá dự kiến đi qua cảng biển năm 2017 do Hải Phòng công bố và các số liệu về xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng từ Tổng cục Hải quan và Cục Hàng hải, các chuyên gia đã tính toán nhanh và dự báo: ngoài nộp phí cho Hải Phòng, DN phải gánh chịu thêm khoảng 15,2 triệu USD chi phí lưu kho bãi, lãi suất tiền gửi, chi phí thực hiện thủ tục nộp phí… chưa kể các chi phí không lượng hoá được như chậm đơn hàng bị phạt hợp đồng, mất uy tín…

Tổng mức thu phí cửa khẩu cảng biển dự kiến của Hải Phòng năm 2017 là 1.500 tỷ đồng, nhưng theo số liệu của các hiệp hội DN sau những ngày đầu áp dụng thu phí thì năm 2017, Hải Phòng sẽ thu được ít nhất 2.300 tỷ đồng.

Đại diện chính quyền Hải Phòng trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng, số tiền này sẽ mang lại lợi ích cho DN vì “toàn bộ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”, tháo gỡ tình trạng đường nối từ cao tốc xuống cảng Hải Phòng luôn ách tắc… Điều này cho thấy, việc thu phí sai mục đích, sai nguyên tắc ngay từ đầu và có căn cứ để DN đánh giá Hải Phòng đã lạm thu từ phí cho ngân sách của Thành phố.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Phó tổng thư ký VPSF cho biết, có 2 nội dung không hợp lý khi Hải Phòng ban hành Nghị quyết 148. Thứ nhất, thời điểm ban hành vào cuối tháng 12/2016, thông báo triển khai ngày cuối cùng tháng 12 nhưng áp dụng ngay từ 1/1/2017.

Điều này đã đẩy hàng nghìn DN vào thế khó khăn, áp lực lớn vì các đơn hàng, hợp đồng, giá sản phẩm và dịch vụ liên quan cho năm 2017 đều đã đàm phán, ký kết với đối tác trước đó. DN không có thời gian “trở tay”, nhất là trong đàm phán với các đối tác quốc tế và không bố trí kịp nguồn lực thực hiện quy định khiến nhiều công ty có nguy cơ bị phạt hợp đồng, thiệt hại trong sản xuất kinh doanh, mất uy tín, mất đối tác…

Thứ hai, việc ban hành Nghị quyết diễn ra khi Hải Phòng chưa bố trí đủ hoặc hợp lý các nguồn lực thực hiện, mọi công việc đang được tiến hành thủ công dẫn tới nhiều hệ luỵ bất cập cho DN.

Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, khi nhận được thông tin này, lãnh đạo người Nhật tại nhiều công ty bị “sốc”, bởi không nghĩ tới việc thu phí dựa trên mức sử dụng dịch vụ; thu phí trước khi thực hiện xong cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mức thu quá cao.

Hiếu Minh