Dệt may vẫn trong thế khó

Ngành dệt may đi qua năm 2016 với nhiều sóng gió. XK không đạt mục tiêu đề ra, chỉ đạt 28,3 tỷ USD, tăng trưởng hơn 5%- đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua.  Những khó khăn này dự báo vẫn tiếp diễn trong năm 2017, cộng với những khó khăn từ nội tại đang là lực cản vô cùng lớn đối với DN dệt may trong thời gian tới.

Nguyên phụ liệu vẫn phụ thuộc vào NK là điểm nghẽn của ngành dệt may. Ảnh: Phan Thu.

Bị cạnh tranh gay gắt

Với việc dự báo còn khó khăn nên năm 2017 ngành dệt may không phấn đấu mục tiêu tăng trưởng 10-12% như mọi năm mà chỉ dự kiến tăng 6,5-7% trong năm 2017, tương đương khoảng 30 tỷ USD.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, nguyên nhân khiến dệt may tăng trưởng thấp là do khó khăn chung của thị trường thế giới, tổng cầu NK hàng dệt may tại các thị trường lớn đều giảm. Cụ thể, Mỹ giảm 4,74%, EU giảm 1,5%, Hàn Quốc giảm 0,2%, chỉ có thị trường Nhật Bản tăng nhẹ lên 3,6%. Đặc biệt, năm 2016 còn chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm dệt may từ các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh… Các nước này đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ của họ, đặc biệt là về tỷ giá so với đồng USD để phát triển ngành dệt may và thu hút đơn hàng.Trong khi các nước được hưởng nhiều chính sách ưu đãi thì ngành dệt may trong nước vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ các chính sách thuế do các Hiệp định thương mại tư do (FTA) như FTA Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều chưa có hiệu lực trong năm 2017. Điều này khiến cho giá cả, chi phí của DN trong nước cao hơn so với các nước và trên thực tế đã xảy ra tình trạng đơn hàng từ Việt Nam đã “chạy” sang các nước Ấn Độ, Campuchia, Myanmar… Nếu không được “cấp cứu” kịp thời thì chắc chắn DN dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục khó khăn trong năm 2017 và trong trung hạn.

Không chỉ bị cạnh tranh gay gắt mà ngành dệt may còn đang có những khó khăn từ nội tại như vẫn chủ yếu là gia công, nguyên phụ liệu vẫn phụ thuộc vào NK… Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, ngành dệt may có nhu cầu rất lớn về vải, nhưng “nút thắt cổ chai” tại khâu dệt nhuộm của chuỗi cung ứng đang khiến hiệu quả hoạt động của các DN không cao do phụ thuộc quá nhiều vào NK vải chủ yếu từ Trung Quốc. Do vậy, thiếu tự chủ về các nguyên phụ liệu quan trọng, đặc biệt là nguồn cung vải, bông, sợi… tiếp tục là điểm nghẽn, kéo tụt hiệu quả hoạt động của ngành dệt may. Đặc biệt khi một loạt FTA có hiệu lực, với các quy tắc xuất xứ từ vải, sợi trở đi sẽ khiến các DN vất vả hơn trong việc chứng nhận xuất xứ để hưởng thuế về 0%. Tuy nhiên, nguồn nguyên phụ liệu sẽ tiếp tục thiếu hụt khi TPP chưa ngã ngũ kéo theo việc thu hút FDI vào dệt, nhuộm đang chững lại.

Phụ thuộc vào nguyên phụ liệu NK cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho DN dệt may vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng dệt may và chủ yếu làm gia công- công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi cung ứng dệt may. Theo đánh giá của VITAS, vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng dệt may thế giới chỉ là gia công, may XK ít mang lại giá trị gia tăng giống như Bangladesh, Srilanka. Trong khi các quốc gia phát triển Mỹ, EU, Nhật Bản tập trung vào khâu mang lại giá trị thặng dư cao nhất (thiết kế, marketing và phân phối), còn nhà thầu gia công, bán buôn tập trung tại 3 nước/vùng lãnh thổ chính là Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan kết nối các công ty sản xuất với người tiêu dùng cuối cùng.

Bắt đầu từ doanh nghiệp

Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2017 và những năm tới, ngoài một số cơ hội thì hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại nhiều thách thức, đặc biệt đối với DN dệt may nhỏ và vừa với xuất phát điểm thấp, việc cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập rất vất vả. Thậm chí, DN có thể mất các đơn hàng truyền thống về khối DN có khả năng cạnh tranh cao hơn, nhất là các DN FDI.

Để ngành dệt may Việt Nam phát triển ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần tạo sân chơi bình đẳng giữa các DN FDI với các DN trong nước; quản lý tốt hơn các dự án đầu tư vào dệt may. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành dệt may phù hợp với tốc độ hội nhập sâu rộng của Việt Nam.

Nhấn mạnh đến sự cạnh tranh giữa DN trong nước và DN FDI, một số chuyên gia kinh tế nhận định, khâu may mặc tạo ra nhiều việc làm và phù hợp với khả năng của các DN trong nước, vì vậy không nên thu hút thêm FDI vào dệt may. Chỉ nên thu hút FDI vào khâu dệt, nhuộm nhưng nên chọn vị trí đầu tư, yêu cầu môi trường khắt khe, lựa chọn những dự án có công nghệ hiện đại, ưu tiên những nhà đầu tư có liên kết với DN Việt Nam cùng đầu tư vào dệt, nhuộm. Thêm nữa, Chính phủ cũng cần hỗ trợ về tài chính, ngân hàng có tín dụng ưu đãi cho những DN trong nước dám đầu tư vào dệt, nhuộm nhằm tạo nên xuất xứ nguyên phụ liệu từ Việt Nam và được hưởng lợi ích thuế quan.

Mặt khác, trong ngành dệt may, hưởng lợi nhiều nhất là khâu đầu và khâu cuối, tức là khâu thiết kế và khâu marketing. Nếu như DN trong nước không dần lớn lên để tham gia toàn chuỗi mà chỉ tham gia ở những khâu thấp nhất thì lợi ích không được bao nhiêu. Nhà nước cũng cần hỗ trợ nghiên cứu giúp DN tham gia chuỗi cung ứng chứ không chỉ quan tâm đến phát triển công nghiệp phụ trợ, đây mới là giải pháp giúp ngành phát triển bền vững.

Tất nhiên, các DN vẫn tâm niệm “tự cứu” mình trước khi “trời cứu” bằng cách tiếp tục tập trung khai thác hiệu suất cao hơn nữa của trang thiết bị đã đầu tư, tức là giảm đầu tư theo chiều rộng mở thêm nhiều nhà máy ở các nơi bằng cách tuyển thêm lao động nhưng dựa trên tài sản cố định đã có. DN cũng tính đến khai thác tài sản cố định với hiệu suất cao nhất có thể để trong những năm tới chi phí tài chính giảm đi nhưng vẫn tạo được việc làm, tạo ra năng suất gia tăng. Đáng chú ý, nâng cao năng suất là yếu tố then chốt. Việc này không chỉ đến từ rút gọn quy trình, tối ưu hóa mà còn bao gồm cả việc thay thế những thiết bị kém sử dụng nhiều lao động bằng độ tự động cao, mục tiêu là giảm chi phí lao động/chi phí sản phẩm. “Tiếp tục tìm thị trường ngách, những mặt hàng có quy mô đơn hàng nhỏ và vừa nhưng khó để tiếp tục xác định lợi thế”, ông Trường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài:

Đầu tư vào dệt, nhuộm của ngành dệt may vẫn rất cần thiết tuy nhiên không thể không có khu chuyên biệt về dệt, nhuộm, may. Việc quy hoạch khu chuyên biệt này sẽ có lợi nhiều mặt.

Trước tiên về môi trường, việc xử lý nước thải, chất thải rắn dễ hơn nhiều so với khu công nghiệp có cả dệt may, cơ khí, hóa chất…, đồng thời vấn đề kiểm tra kiểm soát môi trường cũng thuận lợi hơn.

Vấn đề logistics cũng có nhiều thuận lợi hơn bởi ở khu chuyên biệt đó chỉ làm một mặt hàng từ dệt nhuộm cung cấp cho may mặc đến khâu cung cấp thị trường trong nước và XK. Đây là một chuỗi giá trị thuận lợi về logistics và phân công trong từng mặt hàng theo chuỗi, từ đó dễ nâng cao năng suất sản phẩm từ đầu vào đầu ra.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

Từ giữa năm 2016, FDI vào ngành dệt may đã bắt đầu suy giảm do TPP có dấu hiệu chững lại. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP thì “số phận” của TPP đến nay vẫn chưa biết sẽ ra sao. Do vậy, trong năm 2017, FDI vào dệt may chắc chắn sẽ giảm. Bên cạnh đó, nếu TPP không có Mỹ thì sẽ ảnh hưởng đến ngành dệt may Việt Nam ở mức độ nhất định. Bởi lẽ, hiện tỷ trọng XK dệt may sang thị trường này chiếm 40%.

Diệp Anh