Giao thương Việt Nam – Kazakhstan: Đi tìm “con đường tơ lụa”

Do nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Kazakhstan ngày càng tăng, phía nước bạn đã đề nghị một tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ TPHCM đi nước này chỉ mất từ 6-7 ngày, nhằm tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thời gian vận chuyển hàng như vậy là… không tưởng!

vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Kazakhstan
Tập kết hàng để xuất khẩu. Ảnh: LÊ ANH

Theo số liệu từ Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Kazakhstan năm 2013 tăng cao nhất khi đạt 159 triệu đô la Mỹ, tăng 185% so với năm 2012. Năm 2014, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 229 triệu đô la Mỹ, tăng 44% so với năm 2013 và tăng gấp hơn 5 lần so với 2010. Sang năm 2015, dù thương mại hai chiều giữa hai nước chỉ đạt 162,1 triệu đô la Mỹ, giảm gần 30% so với năm 2014 nhưng các doanh nghiệp tin rằng từ quí 2-2016 tình hình sẽ có nhiều thay đổi khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (gồm các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga) chính thức có hiệu lực.

Hồi tháng 5 vừa qua, phía Kazakhstan đã tổ chức một diễn đàn doanh nghiệp giữa hai nước nhằm tìm kiếm các đối tác xuất nhập khẩu hàng hóa. Hiện Kazakhstan đang cần nhập khẩu trái cây, rau xanh, các mặt hàng thủy sản và máy móc phụ tùng, sắt thép các loại và xuất khẩu sang Việt Nam kim loại, quặng và khoáng sản.

Tuy nhiên, khâu vận chuyển đang gặp nhiều khó khăn vì vị trí địa lý của Kazakhstan không thuận lợi nếu vận chuyển bằng đường biển, còn đường bộ thì buộc phải qua một nước trung gian.

Sau diễn đàn, phía Kazakhstan đã có một loạt cuộc làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), chính quyền TPHCM và một số hiệp hội của Việt Nam nhằm tìm ra con đường vận chuyển hàng hóa ngắn nhất từ Việt Nam đi Kazakhstan, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Trong buổi làm việc giữa ông Kanat Aipysbayev, Phó chủ tịch Đường sắt Kazakhstan, với Bộ GTVT Việt Nam, phía nước bạn đề cập việc kết nối vận tải đường sắt từ Việt Nam qua Trung Quốc để đến Kazakhstan. Ông Kanat Aipysbayev cho rằng nếu thiết lập được tuyến vận chuyển bằng đường sắt thì thời gian chuyển hàng chỉ mất khoảng 15 ngày, còn đi đường biển phải mất 25 ngày. Phía Kazakhstan cũng cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về kho bãi, phối hợp tìm khách hàng để bán, vận chuyển hàng hóa sang Kazakhstan và ngược lại.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, cho biết Việt Nam cũng đang tìm kiếm các giải pháp kết nối, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam qua Trung Quốc sang các nước Trung Á, châu Âu. Bộ GTVT đề nghị các cơ quan hữu trách của cả hai nước nhanh chóng khảo sát khả năng kết nối đường sắt ở đầu mối Lào Cai qua Trung Quốc để đi Kazakhstan.

Sau khi làm việc với Bộ GTVT, đoàn doanh nghiệp Kazakhstan do ông Beketzhan Zhumakhnov, Đại sứ Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam, làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với chính quyền TPHCM và một số hiệp hội với mục đích thiết lập con đường vận tải hàng hóa để đưa các mặt hàng nông, thủy sản của các tỉnh phía Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung vào thị trường này nhanh hơn.

Theo ông Beketzhan Zhumakhnov đề nghị hàng hóa sẽ được chuyển từ TPHCM bằng đường biển tới Liên Vân Cảng (Trung Quốc), sau đó, hàng được xếp lên tàu để vận chuyển bằng đường sắt vào Kazakhstan. Nếu con đường này được hình thành thì thời gian chuyển hàng từ TPHCM đến Kazakhstan chỉ trong 6-7 ngày, trong khi trước đây phải mất 45 ngày.

Trao đổi với TBKTSG, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết phía Kazakhstan giới thiệu một tuyến vận chuyển ổn định bằng đường biển từ TPHCM hoặc Hải Phòng đến Cảng Liangyungang (Trung Quốc), sau đó đi bằng đường sắt đến Almaty hoặc Astana hay các cảng khác, thậm chí đến cả châu Âu. Thật ra, tuyến vận tải này không hề xa lạ đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì lâu nay họ đã vận chuyển theo tuyến này rồi. Chỉ có một điểm mới là công ty mà phía Kazakhstan giới thiệu có liên doanh với cảng Lianyungang, có thể bảo đảm hàng được thông suốt. Theo nhận xét của ông Hiệp, “mọi thông tin mà phía Kazakhstan giới thiệu rất chung chung, chưa đưa ra các dịch vụ cụ thể, trong khi đó, nhiều câu hỏi cụ thể của doanh nghiệp đưa ra, phía Kazakhstan không trả lời được”.

Đại diện của một hãng tàu tại Việt Nam cũng cho TBKTSG biết do lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước chưa nhiều nên việc vận tải hàng hóa đến Kazakhstan thường là một chiều, vì thế, chi phí vận chuyển khá cao. Nói về một tuyến vận tải hàng từ TPHCM tới Kazakhstan chỉ từ 6-7 ngày mà phía nước bạn giới thiệu, vị này cho rằng việc vận chuyển bằng đường biển với số ngày ngắn như vậy là không hề có. “Thời gian vận chuyển từ TPHCM đến Kazakhstan hiện nay nhanh nhất cũng phải mất từ 15-20 ngày vì còn phải trung chuyển tại Trung Quốc”, vị này nói.

Theo một số doanh nghiệp logistics, ngoại trừ phương thức vận chuyển bằng đường hàng không, các phương thức vận tải khác đến Kazakhstan hiện rất khó khăn vì phải trung chuyển ở cảng của nước khác. Riêng đối với kết nối đường sắt để vận chuyển hàng từ Việt Nam đi Kazakhstan thì tính khả thi không cao do lượng hàng vận chuyển quá ít, tuyến đường vận chuyển dài và phải qua nhiều trạm trung chuyển. Do vậy, con đường vận chuyển bằng đường biển sau đó trung chuyển tại Trung Quốc vẫn là con đường vận chuyển khả thi nhất.

Lê Anh

TBKTSG