(HQ Online)- Trong lúc Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cộng đồng DN dệt may về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 37/2015/TT-BCT thì lại có ý kiến cho rằng, việc ban hành Thông tư này là trái luật, cần bãi bỏ ngay.
Trái luật?
Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo (gọi tắt là kiểm tra formaldehyde) trong sản phẩm dệt may của Bộ Công Thương ra đời với mục đích khắc phục những bất cập đã tồn tại khá lâu (từ khi Thông tư 32 ra đời- năm 2009). Tuy nhiên, mới chỉ thực hiện được 6 tháng, Thông tư 37 vẫn tiếp tục nhận được phản ứng gay gắt từ phía DN bởi Thông tư này gây phiền hà, phát sinh chi phí cho DN.
Mới đây nhất, thông tin do một nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra khá bất ngờ. Theo bà Nguyễn Minh Thảo, CIEM, việc ban hành Thông tư 37 của Bộ Công Thương, thay thế Thông tư 32 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15-12-2015 là trái Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đây là kết quả mà nhóm nghiên cứu có được trong quá trình rà soát các văn bản pháp lý.
Cụ thể, theo khoản 1, Điều 5, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định: “Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Căn cứ vào khả năng gây mất an toàn, sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sau: Sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng; sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng”.
Căn cứ quy định này, bà Thảo cho rằng, Bộ Công Thương chỉ được ban hành các quy định về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde trong sản phẩm dệt may nếu sản phẩm dệt may thuộc sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo Thông tư số 08/2012/TT-BCT ngày 9-4-2012 của Bộ Công Thương ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương thì sản phẩm dệt may không có trong Danh mục này. Như vậy, việc ban hành Thông tư 37 của Bộ Công Thương là trái Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc Bộ Công Thương yêu cầu DN thực hiện kiểm tra hàm lượng formaldehyde đối với sản phẩm dệt may là trái luật. Trong 7 năm qua, quy định này đã gây tốn kém rất lớn về thời gian và chi phí của DN. Vì thế, kiến nghị Bộ Công Thương bãi bỏ ngay Thông tư 37 do ban hành trái luật!
Cần tiếng nói chung
Như đã nói ở trên, việc kiểm tra chất lượng hàng hóa dựa trên Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Thông tư số 08 ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương thì sản phẩm dệt may không có trong Danh mục này. Vì vậy có thể nói rằng, việc ban hành Thông tư 32 và 37 của Bộ Công Thương đều không có gốc pháp luật.
Hơn nữa, nhìn lại quá trình ban hành văn bản pháp luật của Bộ Công Thương cũng có “sơ hở” nhất định. Sau khi ban hành Thông tư 37, dường như Bộ Công Thương bị “giật mình” bởi văn bản ban hành không có gốc pháp luật. Do vậy, ngay sau đó, Bộ Công Thương đã lập tức ban hành Thông tư số 41/2015/TT-BCT thay thế Thông tư số 08. Trong Thông tư số 41, Bộ Công Thương đã bổ sung thêm sản phẩm dệt may vào Danh mục. Tuy nhiên, Thông tư 41 được ban hành (ngày 24-11-2015) và có hiệu lực (ngày 1-1-2016) sau Thông tư 37 (ban hành ngày 30-10-2015 và có hiệu lực từ ngày 15-12-2015). Một lần nữa có thể thấy rằng, về mặt ban hành văn bản pháp luật là trái bởi không thể có chuyện “sinh con rồi mới sinh cha”. Một vị chuyên gia bình luận, việc ban hành một thông tư khác để “hợp pháp hóa” Thông tư 37 càng thể hiện sự cố ý, cố tình của Bộ Công Thương.
Còn xét trên thực tế từ khi Thông tư 32 ra đời cho đến khi có Thông tư 37 thay thế, các DN dệt may không ngừng kêu than về việc phát sinh chi phí, phiền hà đối với quy định kiểm tra formaldehyde này. Theo thống kê của DN, phí giám định hàm lượng formaldehyde đối với lô hàng vải NK về sản xuất là 2 triệu đồng/1 mẫu vải. Thậm chí đối với các lô hàng NK về làm mẫu theo hình thức chuyển phát nhanh, có khi chỉ có 5-10 mét vải, DN vẫn phải kiểm định hàm lượng formaldehyde và chi phí vẫn là 10 USD.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì cho rằng, Thông tư 37 chưa thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 19 các năm gần đây là “cải cách toàn diện các quy định về môi trường kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm”. Hơn nữa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang gây mất nhiều thời gian và chi phí cho DN, việc NK chậm trễ làm gián đoạn sản xuất, phá vỡ thời gian giao hàng, khiến DN có thể bị phạt, bị cắt đơn hàng, hoặc làm đội giá thành sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh.
Như vậy, trong nhiều năm qua, giữa cơ quan quản lý mà ở đây là Bộ Công Thương và DN vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi Nhà nước đang tìm cách tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi cho DN, nhất là những ngành được cho là mũi nhọn, thế mạnh như dệt may, da giày thì 2 Thông tư này lại gây cản trở nghiêm trọng cho DN.
Chỉ còn 4 ngày nữa (tức ngày 15-7) là hết hạn DN được góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 37. Thông tin mà phóng viên tiếp nhận được từ phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho đến thời điểm này mới có rất ít DN gửi ý kiến đóng góp. Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký VITAS cho phóng viên biết, đầu tuần tới, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc hội thảo tại TP. HCM về kiểm tra chuyên ngành trong đó có Thông tư 37. Khi được hỏi “Bộ Công Thương có phản hồi gì về kiến nghị của CIEM”, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan qua điện thoại ngày 11-7, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, về vấn đề này, trong thời gian sớm nhất Bộ Công Thương sẽ có thông cáo. Về nội dung chi tiết cụ thể, ông Cường từ chối trả lời phóng viên với lý do đang phải chủ trì một cuộc họp khác. |