Bất cập quản lý phế liệu nhập khẩu nhìn từ vụ thép Thái Nguyên

(HQ Online)- Từ câu chuyện liên quan đến những vướng mắc quanh lô hàng khoảng 3.500 tấn thép phế liệu nhập khẩu của Công ty gang thép Thái Nguyên (TISCO) nhập khẩu về cảng Hải Phòng như Báo Hải quan đã đưa tin mới đây, chúng tôi phát hiện bất cập kéo dài liên quan đến quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất khiến doanh nghiệp và cả cơ quan Hải quan cùng gặp khó.

Việc quản lý phế liệu nhập khẩu vẫn bộc lộ nhiều bất cập, lúng túng. Ảnh: Internet.

 

Kéo dài thời gian thông quan vì Thông tư 41

Liên quan đến bất cập trong quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với phế liệu nhập khẩu, trao đổi với chúng tôi, đại diện một DN sản xuất thép lớn ở khu vực phía Bắc chia sẻ: Khoản 2 Điều 10, Thông tư 41/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định khi làm thủ tục nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất “Ngoài hồ sơ hải quan theo quy định pháp luật hiện hành về hải quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất nộp bổ sung cho cơ quan hải quan Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất” (sau đây gọi tắt là Giấy xác nhận).

Và thời gian để cấp Giấy xác nhận này trong vòng 40 ngày làm việc (trường hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp) và 30 ngày làm việc (Sở Tài nguyên và Môi trường cấp). Đấy là thời gian tính từ khi DN cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu. Thực tế nếu tính cả thời gian chuẩn bị tài liệu và ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật) thì việc cấp Giấy xác nhận còn lâu hơn.

Trong khi đó, nhu cầu của DN muốn được thông quan hàng hóa nhanh chóng để sớm đưa vào sản xuất. Nhưng nếu chưa có Giấy xác nhận theo quy định của Thông tư 41, cơ quan Hải quan lại không thể cho thông quan.

Chính vì vậy, khi thực hiện quy định của Thông tư 41, nhiều DN nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất gặp khó khăn (sản xuất thép, giấy…).

Trước sự phản ứng của cộng đồng DN nên chỉ ít ngày sau khi Thông tư 41 có hiệu lực (Thông tư có hiệu lực 27-10-2015), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải có văn bản “chữa cháy”.

Ngày 19-11-2015, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có Công văn 2598/TCMT-KSON gửi Tổng cục Hải quan đề nghị cho thông quan với những lô hàng của DN đã nộp hồ sơ xin cấp Giấy xác nhận cho cơ quan quản lý về môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường).

Chữa cháy quá lâu

Điều khó hiểu là mặc dù đã phát hiện ra bất cập và có văn bản “chữa cháy” kể trên, nhưng việc xử lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn không được thực hiện dứt điểm. Bởi các quy định của Thông tư 41 vẫn được giữ nguyên (về thời gian cấp Giấy xác nhận và yêu cầu phải có giấy tờ này trong hồ sơ hải quan mới được thông quan-PV).

Khi có trường hợp nào cần thông quan hàng hóa nhanh chóng, Tổng cục Môi trường lại “phá lệ” cấp văn bản đề nghị cơ quan Hải quan thông quan cho những trường hợp đang trong giai đoạn hoàn thiện các điều kiện để được cấp Giấy xác nhận. Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua cơ quan Hải quan nhận được một số văn bản như vậy.

Rõ ràng tình trạng “phá lệ” như vậy (cho phép thông quan các lô hàng khi chưa có Giấy xác nhận) vẫn tiếp diễn thì rõ ràng ngay chính Tổng cục Môi trường chưa thực hiện đúng quy định của Thông tư 41 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nếu thực sự muốn tạo điều kiện cho cộng đồng DN, thiết nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đẩy nhanh việc cấp Giấy xác nhận cho DN.

Trường hợp cơ quan quản lý về môi trường vẫn cần một khoảng thời gian dài như vậy để kiểm tra và cấp Giấy xác nhận thì Bộ này cần sửa đổi quy định Khoản 2 Điều 10, Thông tư 41 theo hướng cho DN được thông quan trong khi hoàn thiện hồ sơ như một số văn bản của Tổng cục Môi trường đang áp dụng cho một số DN hiện nay.

Bởi cứ như tình trạng hiện nay thì chính cơ quan ban hành quy định lại là đơn vị không tuân thủ, và điều này còn gây thêm hệ lụy cho cơ quan Hải quan khi giải quyết thủ tục cho DN.

T.Bình