Ấn Độ và Trung Quốc là 2 quốc gia outsourcing lớn nhất cho Nhật Bản liên quan đến lĩnh vực phần mềm và công nghệ thông tin. Nhưng trong hơn 1 năm nay, Việt Nam lần đầu đã soán ngôi Trung Quốc, chỉ đứng sau Ấn Độ trong việc gia công phần mềm cho Nhật Bản.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Ích Vinh – Tổng Giám đốc Tinh Vân Outsourcing – trích dẫn từ nghiên cứu của Thị trường Outsourcing toàn cầu (Global Outsourcing Market).
Theo đó, thị phần outsourcing cho các doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản lớn nhất đang thuộc về Ấn Độ với 31,5%. Việt Nam đã vượt lên Trung Quốc, đứng thứ 2 với 20,6%.
Một trong những lý do các doanh nghiệp Nhật chuộng outsourcing từ Việt Nam, theo Nikkei, là do chi phí thuê kỹ sư IT Việt Nam rẻ hơn 30 – 40% chi phí thuê kỹ sư IT Trung Quốc.
Nắm bắt cơ hội này, Tinh Vân đã lập văn phòng đại diện tại Nhật Bản vào cuối năm 2015, khai thác trực tiếp các đơn hàng trực tiếp từ Nhật Bản cùng với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam như FPT, VietSoftware International, TMA…
“Đến năm 2020, Chính phủ Nhật Bản muốn biến nước này thành cộng đồng tận dụngcông nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Hiện ở Nhật Bản, nhu cầu về kỹ sư máy tính đang gia tăng rất nhanh, trong khi đó nguồn nhân lực tại nước chúng tôi lại không đủ”, ông Shigeki Maeda – Phó Chủ tịch Jetro Tokyo tiết lộ.
Quy mô thị trường outsourcing của Nhật Bản đã tăng từ 135 tỷ yen trong năm 2012 lên 145,5 tỷ yen (tương đương hơn 1,4 tỷ USD) vào năm 2015. Dự kiến nhu cầu outsourcing của Nhật Bản sẽ tăng lên 156 tỷ yen vào năm 2017.
Theo Nikkei, trong khi các doanh nghiệp công nghệ thông tin (IT) của Mỹ và Châu Âu chỉ ký khoảng 10% hợp đồng thuê ngoài để phát triển phần mềm, thì tỷ lệ room cho outsourcing ở Nhật Bản gấp 10 lần số trên.
“Lĩnh vực (IT) tại Nhật Bản đang đón nhận rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam. Về phía Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào năm ngoái đã đưa ra sáng kiến hợp tác phát triển nhân lực công nghệ. Theo đó, Nhật lên kế hoạch đào tạo hơn 40.000 nhân lực công nghệ tại Châu Á, trong đó có Việt Nam”, ông Katsuro Nagai – Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết.
Bình luận về nguồn nhân lực outsourcing từ Việt Nam, ông Nagai cho rằng người Việt thông minh, chăm chỉ. Tuy nhiên, phía Nhật Bản vẫn thấy có khoảng cách giữa cung – cầu đối với nguồn lao động có kỹ năng.
“Nhìn ra toàn cầu, chính phủ Việt Nam cần đầu tư nhiều chương trình hơn để nâng cao kỹ năng cho nguồn lao động”, ông Nagai khuyến nghị.
Già hóa dân số là nguyên nhân khiến Nhật Bản thiếu hụt lao động trầm trọng. Dân số Nhật Bản bắt đầu giảm từ năm 2011. Tính đến năm 2014, số người trên 60 tuổi chiếm đến 33% dân số Nhật.
Nhật Bản đang đưa ra nhiều biện pháp thu hút lao động nước ngoài, trong đó tập trung nới lỏng chính sách đối với lao động có tay nghề, đồng thời mở rộng hệ thống đào tạo chia sẻ công nghệ với các nước đang phát triển, thu nhận lao động từ các nước đang phát triển đưa sang Nhật dạy nghề.
Theo Trí Thức Trẻ