Ngày 3/12, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức khai trương sàn giao dịch vận tải hàng hóa đầu tiên có tên Vinatrucking, được kỳ vọng sẽ giúp thị trường giá cước vận tải minh bạch và cạnh tranh hơn.
Ông Tạ Công Thuận – Tổng giám đốc sàn giao dịch vận tải VinaTrucking, cho biết sàn giao dịch vận tải Vinatrucking với những tính năng sử dụng đơn giản nên mọi doanh nghiệp hoàn toàn có thể tham gia vào sàn thông qua smartphone, iPad hay máy tính.
Khi muốn tham gia vào sàn giao dịch, các đơn vị vận tải, chủ hàng và cá nhân cần phải đăng ký là thành viên của sàn trước khi thực hiện giao dịch trên website Vinatrucking.vn.
Việc đăng ký thành viên được thực hiện tự động thông qua xác nhận thông tin trên email hoặc số điện thoại. Khi đã có tài khoản, chủ xe hoặc chủ hàng chỉ cần truy cập vào sàn để ghi nhận lại mã số chuyến xe hay chuyến hàng mình lựa chọn rồi gửi thông tin yêu cầu cho chủ xe hoặc chủ hàng và có thể chào giá cước mong muốn của mình cho đối tác.
Nếu đối tác đồng ý sẽ có phản hồi bằng email hoặc tin nhắn, sàn giao dịch sẽ thông báo cho các bên liên quan và đề xuất hình thức giao dịch.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc hình thành sàn giao dịch vận tải hàng hóa sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tìm kiếm nguồn hàng để vận chuyển, còn các chủ hàng có nhu cầu vận tải thì có thể tổ chức đấu thầu công khai trên sàn để lựa chọn đơn vị vận tải đáp ứng nhu cầu và có giá cước thấp nhất.
Thông qua hoạt động của các sàn giao dịch vận tải, các doanh nghiệp có thể tìm nguồn hàng cho cả 2 chiều lưu thông, tránh việc để xe chạy rỗng, từ đó, giảm phương tiện trên đường, giảm ùn tắc giao thông, đồng thời góp phần giảm chi phí logistics, giảm khí thải ra môi trường.
Hầu hết các doanh nghiệp khi được hỏi đều cho rằng, việc đưa sàn giao dịch vận tải vào hoạt động là cần thiết, vì hoạt động vận tải không thể tù mù mãi được. Không chỉ giúp giảm thời gian cho các doanh nghiệp khi tìm hiểu thông tin lẫn nhau, mô hình sàn giao dịch này sẽ giúp khách hàng có nhiều lựa chọn hơn đồng thời tạo ra cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh việc ủng hộ mô hình sàn giao dịch vận tải, có những ý kiến băn khoăn, nghi ngại về việc kiểm soát thông tin đăng tải trên sàn giao dịch cũng như chế tài xử lý nếu các doanh nghiệp vi phạm, tránh gây ra tình trạng lộn xộn.
Cho rằng sàn giao dịch này rất tốt cho các doanh nghiệp, nhưng ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Tín Vinh nhấn mạnh để sàn hoạt động có hiệu quả, các DN khi đăng ký trên sàn phải là những DN vận tải có uy tín, giá cả công khai cạnh tranh.
“Hạn chế của việc chào giá trên sàn điện tử là giá cả thường không thật, trừ những doanh nghiệp có tiếng, có thương hiệu. Chính vì vậy, để tạo động lực và lấy được niềm tin của khách hàng, thông tin mà các doanh nghiệp đưa lên mạng giao dịch điện tử phải được kiểm soát.
Trong trường hợp nếu doanh nghiệp vận tải có sai phạm, khách hàng có quyền phản ánh và phải có chế tài, quy định để xử lý nghiêm doanh nghiệp sai phạm”, ông Thịnh nêu ý kiến.
Một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho biết hiện nay đa phần các doanh nghiệp vận tải vẫn bí mật giá với nhau, họ ít khi công khai giá mà thường tìm đến các chủ hàng để làm giá trực tiếp. Cũng có trường hợp chủ hàng, chủ phương tiện móc nối với nhau để có lợi ích, cho nên chưa chắc việc công khai đã phù hợp với mục đích của họ.
“Nhưng tôi cho rằng hoạt động của sàn giao dịch dần dần sẽ vào quy củ. Tôi hy vọng mô hình này sẽ thành công. Khi hàng hóa vào Việt Nam ngày càng lớn, người ta sẽ tìm đến các tập đoàn vận tải, các công ty logistics chân chính, các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Sàn sẽ hạn chế tình trạng “áo gấm đi đêm”, phá giá lẫn nhau cạnh tranh không lành mạnh, manh mún, “mài lốp để ăn”, tự mình hại mình như thời gian qua”, vị này nhận định.
Theo Trí Thức Trẻ