Sự lên ngôi của thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số sẽ là “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp ngành bưu chính trong bối cảnh mảng kinh doanh chính là dịch vụ thư từ, tài liệu đã sụt giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Đức Thế, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TM&DV chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco) nhận định, thị trường chuyển phát thư, tài liệu trong nước đang bão hòa. Vì vậy, 3 năm trở lại đây, sản lượng từ mảng kinh doanh dịch vụ thư từ, tài liệu đã giảm đáng kể.
|
Còn với Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (ViettelPost), theo đại diện phòng Chiến lược, sản lượng dịch vụ thư, tài liệu của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng, từ khoảng 700.000 thư mỗi tháng (năm 2011) lên 800.000 thư/tháng. Thế nhưng, thư từ, ấn phẩm chuyển qua mạng ViettelPost chủ yếu là chứng từ, hóa đơn hay giấy tờ bắt buộc phải có dấu, chữ ký xác nhận. Vài năm tới, khi chữ ký số được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến hơn, đương nhiên sản lượng thư, tài liệu của doanh nghiệp bưu chính sẽ giảm mạnh.
Chính vì vậy, sự lên ngôi của thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số đã vô hình chung như một cái “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp ngành bưu chính phát triển.
Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ phát hàng thu tiền (COD) hỗ trợ cho các website bán hàng online trong khâu vận chuyển, thanh toán, một số doanh nghiệp bưu chính đã xây dựng chiến lược phát triển dài hơi với lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử.
Đơn cử, 1 trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của ViettelPost là phát triển thương mại điện tử, tăng cường hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn để chuyển phát hàng, bưu gửi cho các khách mua-bán hàng qua mạng, nghiên cứu xây dựng chợ thương mại điện tử để các doanh nghiệp tham gia giao dịch. Với mảng kinh doanh này, cùng với việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng, dịch vụ COD cho khoảng 40 doanh nghiệp bán lẻ, website bán hàng trực tuyến, ViettelPost đang nghiên cứu để phát triển các ứng dụng, công cụ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Theo bà Vũ Thu Thủy, quản lý Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), thay vì giết chết các bưu cục, Internet lại mang đến cơ hội. Sự trỗi dậy của thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến, đặc biệt là mua sắm xuyên biên giới đã tạo ra khối lượng bưu kiện nhỏ khổng lồ mà bưu chính khắp thế giới đang ở vào vị trí lợi thế để xử lý và chuyển phát với giá thấp.
Thay vì bị rơi vào lãng quên, các hãng bưu chính có thể ăn nên làm ra nếu nhanh chóng thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày một phát triển nhanh chóng này. Song, để tận dụng được lợi thế này, bưu chính cần thay đổi và hợp tác như chưa từng có trước đó. Sự phát triển nhanh chóng của khối lượng bưu kiện loại nhỏ trong thương mại xuyên biên giới chính là phép thử cho bưu chính.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) khẳng định: Thương mại điện tử không những là yêu cầu mà còn là công cụ tạo thuận lợi cho quá trình chuyển phát hàng hóa và bưu kiện nói riêng cũng như hoạt động logistics (chuyển nhận kho vận) nói chung.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom), xu hướng của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đang hướng tới sự chuyên môn hóa cao. Người bán hàng tập trung nguồn lực vào các hoạt động dẫn người mua tới giao kết hợp đồng trực tuyến. Cùng với đó, các dịch vụ liên quan như lưu kho, đóng gói, chuyển phát, thanh toán, nhận hàng trả lại…có thể thuê ngoài. Các dịch vụ này cơ bản gắn với việc hoàn tất hợp đồng trực tuyến và gọi là dịch vụ hoàn tất đơn hàng.
Để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử theo hướng dài hơi, ông Nguyễn Thanh Hưng khuyến cáo các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát cần nâng cao năng lực với chất lượng cao và giá cạnh tranh qua việc mở rộng qui mô doanh nghiệp, đào tạo cán bộ lành nghề cũng như đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin điện tử. Ngoài ra, phải có sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các nhà bán hàng trực tuyến và công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát để thúc đẩy dịch vụ theo yêu cầu cụ thể của khách hàng.