Doanh nghiệp nước ngoài khó đầu tư vào Logistics Việt Nam

Doanh nghiệp Nhật Bản, Bắc Âu mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực Logistic tại Việt Nam với 100% vốn nước ngoài, tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế về đầu tư nước ngoài.

Logistics Việt Nam

Hệ thống giao thông giữa các loại đường sắt, đường bộ, đường hàng không và cảng biển tại Việt Nam còn chưa đồng bộ gây nhiều hạn chế cho hoạt động của Logistic. Nhiều doanh nghiệp phải đội thêm chi phí vận chuyển do tắc nghẹn tại cảng, tắc đường…

Doanh nghiệp nước ngoài muốn đổ tiền vào Việt Nam, nâng cao chất lượng, dịch vụ Logistic nhưng lại gặp trở ngại về quy định cấp phép. Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: Sau ngày 1/1/2014, doanh nghiệp Nhật Bản được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam để cung cấp toàn bộ hoặc một phần dịch vụ của mã CPC 742, 748 trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh chưa cho phép thành lập doanh nghiệp vốn 100% nước ngoài với lý do hệ thống pháp luật cần thiết chưa hoàn thiện.

Ông Shimon lập luận rằng, theo cam kết WTO sau ngày 1/12014 việc thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài phải được cho phép đối với những mã CPC nêu trên, việc từ chối cấp phép này đang vi phạm cam kết WTO.

Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn sớm được thông qua để có thể đầu tư vốn phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa tại Việt Nam.

Cùng chung vấn đề này ông Sigmud Strome, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam chia sẻ trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vừa qua rằng rất nhiều doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam gặp trở ngại lớn do chi phí vận tải và các chi phí dịch vụ hàng hải tăng cao, xảy ra tình trạng tắc nghẽn cầu cảng và thiếu nhân lực trong khâu xử lý hàng hóa tại các cảng trọng điểm của Việt Nam.

Ông phân tích, để Việt Nam có thể duy trì cạnh tranh với các nước láng giềng, việc cải thiện thời gian xử lý hàng hóa và giảm thiểu chi phí là vô cùng quan trọng. Những cảng đang hoạt động hiện nay cần phải được cải thiện và cần xây thêm cảng khác (gồm cả cảng container và cảng rời).

“Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ nên nới lỏng chính sách cho phép 100% cổ phần nước ngoài trong vận tải biển và các dự án đầu tư cảng nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư trong lĩnh vực này”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam kiến nghị.

Ông cũng nhấn mạnh, Chính phủ không nên chậm chễ hơn nữa trong việc ban hàng các quy định toàn diện, thống nhất cho pép đầu tư cần thiết vào lĩnh vực dịch vụ vận tải biển nhằm nâng cao tính cạnh tranh, giảm thiểu chi phí cho nhà xuất nhập khẩu.

Hải Minh