Tham gia AEC, Việt Nam phải giảm chi phí logistics

(TBKTSG Online) – Khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các nước phải có sự liên kết để giảm chi phí logistics, riêng Việt Nam phải giảm chi phí logistics từ 21% tổng chi phí thương mại xuống còn khoảng 15% vào năm 2020, nếu muốn nâng cao khả năng cạnh tranh.

chi phí logistics
Trong chuỗi cung ứng logistics hiện nay, vận tải đường bộ chiếm chi phí khá cao dẫn đến chi phí logistics của Việt Nam cao hơn các nước khác trong khu vực rất nhiều – Ảnh: Anh Quân

 

Đây là nhận định chung của một số hiệp hội logistics tại hội nghị quốc tế logistic Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 diễn ra hôm nay 27-11, tại TPHCM. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh các quốc gia ASEAN vừa ký kết thành lập Cộng đồng ASEAN và sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối tháng 12-2015.

Tại hội nghị, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết khi thành lập AEC, 10 nước sẽ trở thành một khu vực tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động…

Lúc đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp bất lợi vì chi phí logistics của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đang ở mức 21% trong tổng chi phí. Chi phí này vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực như Singapore và Malaysia chỉ ở mức 9-10% trong tổng chi phí. Chính chi phí vận tải cao đã khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh.

Vì thế, người đứng đầu hiệp hội logistics Việt Nam cho rằng, mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam là giảm chi phí logistics ít nhất là còn 15% vào năm 2020 thì mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp trong khu vực.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến chi phí logistics của  Việt Nam còn cao, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhận định, hiện nay các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa có đươc sự liên kết để cùng phát triển.

Bên cạnh đó, tập quán mua CIF, bán FOB của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn còn tồn tại nên các công ty nước ngoài thường giành được quyền vận tải và các dịch vụ logistics liên quan khác.

Vị thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng khi tham gia AEC, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics phải có sự liên kết để giành thế chủ động trong đàm phán hợp đồng vận chuyển. Không những vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng phải thay đổi tập quán mua CIF, bán FOB.

Về phía Bộ GTVT, ông Nhật cho biết thêm, bộ sẽ cơ cấu lại các phương thức vận tải để giảm vận tải đường bộ và tăng các phương thức vận tải đường biển, đường sắt, hàng không nhằm hài hòa các phương thức vận chuyển, giảm chi phí logistics.

Đồng thời, ngành giao thông sẽ tìm kiếm nhiều phương thức đầu tư khác nhau để đầu tư hoàn thiện hệ thống cảng biển, đường cao tốc, từ đó giảm thời gian vận chuyển giữa các vùng.

Bàn thêm về các giải pháp khi các doanh nghiệp cùng tham gia một sân chơi chung, ông Stanley Lim, Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Singapore (SLA), cho rằng, mức độ phát triển giữa các quốc gia ASEAN không đồng đều nên các quốc gia trong khối phải hỗ trợ cho nhau. Trong đó, cần phải loại bỏ các rào cản về thương mại xuyên biên giới, các thủ tục hải quan…

Khi tạo thành một khối thống nhất, các quốc gia cần áp dụng cơ chế một cửa để tăng tốc độ thông quan hàng hóa nhằm giảm chi phí logistics giữa các quốc gia ASEAN, từ đó mới có thể cạnh tranh được với các quốc gia khác ngoài khối ASEAN.

Mua CIF, bán FOB là gì?

Các hợp đồng ngoại thương được ký kết giữa các công ty Việt Nam và các công ty nước ngoài hiện nay, hầu hết điều kiện về giá cả của các hợp đồng nhập khẩu là CIF (Cost – Insurance – Freight, tức giá đã bao gồm bảo hiểm và vận chuyển), còn đối với các hợp đồng xuất khẩu là FOB (Free On Board, tức giao hàng tại mạn tàu).

Có tình trạng này là do các chủ hàng nội của chúng ta đã quen với tập quán bán FOB tại Việt Nam dẫn tới người mua hàng ở nước ngoài được “mua tận gốc”, có quyền chỉ định tàu chuyên chở và mua bảo hiểm. Mặt khác, các chủ hàng ngoại lại chỉ thích bán CIF tức là “bán tận ngọn” và giành luôn quyền lựa chọn tàu chuyên chở và cả phí bảo hiểm

Mời đọc thêm: