Các doanh nghiệp nước ngoài đổ xô đầu tư vào Bình Dương

TT – Ngay trước và sau thời điểm TPP được ký kết, một “làn sóng” các doanh nghiệp FDI đổ xô đến Bình Dương tìm kiếm cơ hội và nhanh chóng quyết định đầu tư.

đầu tư

Ngày 17-11, trước sự chứng kiến của Tổng lãnh sự quán Hà Lan, UBND tỉnh Bình Dương và chính quyền thành phố Emmen (Hà Lan) đã ký bản ghi nhớ hợp tác toàn diện.

Theo đó, Bình Dương kỳ vọng sẽ thu hút doanh nghiệp Hà Lan vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, xuất nhập khẩu, logistics…

Ngược lại, doanh nghiệp Hà Lan cũng muốn lấy Bình Dương làm “bàn đạp” để tiếp cận với TP.HCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Cees Bijl – thị trưởng thành phố Emmen – cho biết Bình Dương và Emmen có những điểm tương đồng về phát triển kinh tế như nằm trong một vùng kinh tế phát triển năng động, vị trí địa lý tới các cảng thuận lợi… nên các doanh nghiệp Hà Lan rất muốn đầu tư các dự án vào Bình Dương.

Trước đó đầu tháng 1-2015, chính quyền TP Eindhoven, Hà Lan cũng đã quyết định đặt một văn phòng đại diện xúc tiến đầu tư tại tòa nhà Becamex Tower của 
Bình Dương.

Đầu tháng 11-2015, Phòng Thương mại Việt – Mỹ tại VN cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương khai trương văn phòng đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt – Mỹ tại tỉnh Bình Dương.

Bà Mai Hoàng, chủ tịch Phòng Thương mại Việt – Mỹ, cho biết ngoài các chương trình hợp tác song phương, VN và Mỹ đã cùng tham gia nhiều tổ chức quốc tế và các hiệp định thương mại quan trọng, trong đó có TPP nên nhu cầu tìm hiểu môi trường đầu tư, kiếm đối tác và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ vào VN là rất cao.

Xa hơn, ngày 11-9, các doanh nghiệp vùng Emilia Romagna (Ý) cũng đặt văn phòng hỗ trợ đầu tư để xúc tiến các dự án FDI vào Bình Dương.

Theo một số chuyên gia, bên cạnh các cộng đồng doanh nghiệp FDI khá lớn mạnh tại Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, việc các hiệp hội doanh nghiệp của châu Âu, Mỹ đặt văn phòng xúc tiến đầu tư tại địa phương này là một tín hiệu rất khả quan.

Thông tin từ Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết chỉ trong 10 tháng đầu năm 2015, địa phương này đã thu hút được 1,7 tỉ USD vốn FDI, gần gấp đôi so với kế hoạch, trong đó phần lớn các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để đón đầu TPP.

Ông Cheng Chen Yu – chủ tịch HĐQT Công ty Polytex Far Eastern VN (Đài Loan), doanh nghiệp được cấp phép cho dự án lên tới 274 triệu USD tại KCN Bàu Bàng trong năm 2015 – thừa nhận việc đầu tư nhà máy tại VN là để đón đầu những cơ hội mang lại từ TPP và thực hiện xu hướng chuyển nhà máy từ Trung Quốc, Đài Loan sang VN.

Theo ông Cheng Chen Yu, nhà máy này dự kiến cung cấp nhóm sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, như sợi xơ tổng hợp (công suất khoảng 43.200 tấn/năm); dệt kim, nhuộm… (công suất 127 triệu m2/năm) và sản phẩm kéo sợi cotton (96 triệu m2/năm).

“Thị trường VN rất tiềm năng, nhất là những cơ hội có được sau khi tham gia TPP. Do đó, trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy với quy mô dự kiến lên tới 700 triệu – 1 tỉ USD”, ông Cheng Chen Yu khẳng định.

BÁ SƠN