Nhận diện tiềm năng logistics các nước ASEAN

Hội nghị quốc tế Logistics Việt Nam hội nhập AEC 2015 tại TP.HCM đang bàn đến vấn đề kết nối logistics các nước trong ASEAN thành một khối đồng nhất. Vậy cơ sở hạ tầng logistics được nhìn nhận như thế nào khi gia nhập AEC?

tiềm năng logistics

 Việt Nam có 4.200km đường liên thông qua các nước ASEAN

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển logistics và đang xếp thứ 48 toàn cầu theo chỉ số LPI để đánhg giá hiệu quả ngành logistics.

Hệ thống logistic của Việt Nam về đường bộ đã thực hiện 4.200km tuyến đường liên thông qua các nước ASEAN. Về đường sắt, Việt Nam cam kết hoàn tất các tuyến đường sắt đến Lào và Cambodia vào năm 2020. Về đường thủy, Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác với Cambodia và Thái Lan, cho phép các nước này tiếp cận cảng Cái Mép -Thị Vải. Về hàng không, Việt Nam đã xây dựng 30 cảng hàng không mới và bổ sung thêm các chuyến bay đến 16 lãnh thổ. Tiêu biểu trong việc phát triển vận tải hàng không là việc Chính phủ phê duyệt xây dựng sân bay quốc tế Long Thành vào đầu năm 2018.

Ngoài ra, Việt nam tiến hành kết nối hành lang Đông Tây nhằm phát triển vận tải qua các nước ASEAN tại các tuyến đường và đầu mối quan trọng như đèo Hải vân, Quốc lộ 9, cảng Tiên Sa, Đà Nẵng và ký hiệp định giao thương biển cảng với các nước như Myanmar, Lào, Thái Lan.

Theo ông Nhật, Việt Nam sẽ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về kết nối cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống cảng cạn, xây dựng kho bãi tại theo chuẩn quốc tế, khuyến khích xây dựng các doanh nghiệp logistics đa phương tiện tầm quốc tế và tạo nên chuỗi cung ứng hiện đại. Ngoài ra, Việt Nam còn phải tăng cường cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu và tăng cường hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, theo ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, Thứ hai, ngành hải quan Việt Nam đã kết nối với một số nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia… nhưng mới đang dừng lại ở mức độ kỹ thuật, chưa đi vào ứng dụng.

Thủ tướng chính phủ yêu cầu năm 2016 phải kết nối được với những nước này và đưa vào ứng dụng. Ví dụ, hàng qua Malaysia đã được kiểm tra thì về đến Việt Nam sẽ không phải kiểm tra lại, tương tự với xuất qua các nước thứ ba, thứ tư.

tiềm năng logistics

Lào mở đường biển, giảm vận chuyển qua Thái Lan

Ông Parachith Sayavong, Chủ tịch Hiệp hội giao nhận Lào (LIFFA) cho biết, Lào là quốc gia không có đường biển nên xuất nhập khẩu ở Lào hầu hết qua cửa khẩu ở Thái Lan qua đường bộ, nên giá cả hàng hóa của Lào bị đẩy lên cao. Sắp tới, Lào đang cố gắng mở một con đường vận chuyển liền hàng hóa ra biển một cách hiệu quả, đóng vai trò là con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế.

Mặc dù đang cố gắng phát triển hạ tầng kiến trúc phục vụ logistics bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, hiện Lào vẫn chưa áp dụng được các công nghệ tiên tiến nhất về logistics và Chính phủ đã nhận thấy đây là vấn đề lớn.

Ngành logistics ở Lào được chính phủ ủng hộ và nâng đỡ toàn diện về mặt chính sách. Chính phủ cũng cố gắng liên kết với các lãnh vực khác cùng logistics để cùng phát triển, đồng thời phối hợp với các công ty xuất nhập khẩu để hàng hóa thông quan dễ dàng.

Tuy việc áp dụng công nghệ thông tin của Lào chưa bắt kịp các quốc gia lân cận nhưng Lào vẫn có 28 logistics dự án tương lại và hy vọng hợp tác đầu tư từ các nước ASEAN.

Cambodia có 1.487 đường cao tốc nối với các quốc gia ASEAN.

Ông Nhean Sokol, Phó chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Campuchia (CAMFA) chia sẻ về thống cơ sở hạ tầng logistics của Campuchia.

Thứ nhất là hành lang Phnom Penh – Sihanoukville, nối cảng Sihanoukville với Quốc lộ 4 và đường sắt, đảm nhiệm tới 75% giao thương của Campuchia.

Thứ hai là hành lang Bangkok – Phnom Penh, nối các thành phố của Poipet và Koh Kong của Cambodia với Bangkok.

Thứ ba, trên hành lang Phnom Penh – TP.HCM, hầu hết các xe tải vận chuyển hàng hóa giữa thủ đô Campuchia với TP. HCM theo thỏa thuận mậu dịch biên giới giữa hai nước.

Hành lang thứ tư nối Phnom Penh với TP. HCM qua đường thủy nội địa, tận dụng các lợi thế của sông Mekong để kết nối Phnom Penh với cảng Cái Mép và cảng Sài Gòn.

Ngoài ra, trên lãnh thổ Campuchia còn có 1.487 đường cao tốc nối với các quốc gia ASEAN.

Ông Nhean Sokol đề xuất Chính phủ Campuchia tăng cường năng lực vận tải và các dịch vụ logistics, đồng thời phối hợp với các quốc gian lân cận để tạo thành một thị trường vận tải bằng đường bộ đồng nhất và cạnh tranh giữa các cảng nên được khuyến khích.

Myanmar – một nửa dự án logistics là cảng biển

Ưu tiên hàng đầu của Myanma là xây dựng cảng biển. Do vậy, quốc gia này đang có 142 dự án logistics được triển khai, thì có tới 50% số đó liên quan tới hải cảng.

Bà Hla Hla Yee, Tổng thư ký thứ nhất, Hiệp hội Giao nhận Myanmar (MIFFA) cho biết, Myanmar có những kế hoạch cụ thể để phát triển nền kinh tế như làm sao để cải thiện xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, các thủ tục được hiện đại hóa và giảm bớt để đồng nhất với các quốc gia Asean.

 “Hệ thống cảng biển của Myanmar chưa đủ mạnh để xuất cảng, đây là tiềm năng cho nhiều quốc gia muốn đầu tư vào logistics tại nước chúng tôi”, bà Hla Hla Yee chia sẻ.

Hiện Myanmar có 5 cửa khẩu, thời gian tới sẽ mở mạnh thêm một số cảng hàng không quốc tế, phát triển hệ thống lưới điện nhằm có sự đồng nhất với các quốc gia. Ngoài ra, Myanmar sẽ mở thêm một số khu công nghiệp, khu kinh tế, hệ thống logistics để tăng xuất nhập khẩu hàng hóa.

Một ASEAN đồng nhất trong logistics, về kế hoạch tổng thể, ông Alvin Chua, Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận ASEAN (AFFA) nêu những dự án mà các nước thành viên ASEAN đang và sẽ ưu tiên thực hiện để tăng cường tính kết nối trong khu vực.

Cụ thể là hệ thống đường cao tốc ASEAN và nâng cấp các hành lang vận tải, dự án kết nối đường sắt Singapore-Côn Minh, việc thành lập hành lang khổ rộng ASEAN, xây dựng và vận hành các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong các khu vực ưu tiên, áp dụng các hệ thống một cửa, và nới lỏng các quy định cho công dân các nước ASEAN…

LINH LAN