Tư duy mới trong vận tải

Theo tính toán, chi phí logistics tại Việt Nam hiện chiếm trên 20% GDP, trong đó chi phí cho vận tải chiếm khoảng 60%.

tu-duy-moi-trong-van-tai-1448488194-0657

Như vậy, đối với một nền kinh tế có GDP khoảng hơn 180 tỷ USD như Việt Nam thì chi phí cho logistics ngốn khoảng trên 30 tỷ USD. Đây được cho là mức chi phí lớn so với thế giới. Vì vậy trong suốt thời gian qua, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp để tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, trong đó có việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong việc điều hành, quản lý nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệpvận tải phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Một trong những giải pháp đó chính là việc Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu và đề xuất xây dựng mô hình tổ chức sàn giao dịch vận tải(SGDVT- sanvantaiviet.vn) nhằm phục vụ cho các đơn vị vận tải hàng hoá, các nhà cung cấp dịch vụ logistics và khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hoá tăng khả năng kết nối các phương thức vận tải với nhau, giảm chi phí vận tải, tăng khả năngcạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Chủ trương này đã nhận được sự hưởng ứng của các DN vận tải cũng như chủ hàng nhằm tạo môi trường vận tải minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và hiệu quả.

Dù mới chỉ là SGDVT đầu tiên sắp được đưa vào hoạt động nhưng cả cơ quan quản lý, DN vận tải đều đặt nhiều kỳ vọng. Nói như lãnh đạo đơn vị tổ chức SGDVT đầu tiên là VinaTrucking (vinatrucking.vn), mô hình này đang mở ra một tư duy mới trong quản lý, tổ chức hoạt động vận tải.

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ số về hạ tầng giao thông của Việt Nam trong giai đoạn 2015 – 2016 được Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng tăng tới 9 bậc so với trước đó. Kết quả ấy là sự tất yếu của những cải cách, tạo thuận lợi cho DN và đặc biệt là việc mạnh dạn áp dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực, trong đó có vận tải. Với việc đưa SGDVT vào hoạt động, cũng có thể kỳ vọng, chỉ số cạnh tranh về giao thông của Việt Nam sẽ tiếp tục thăng hạng trong những năm tiếp theo.

Ngọc Anh