(HQ Online)- Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa logistics vào danh mục các lĩnh vực, ngành hàng ưu tiên triển khai thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí cho hoạt động logistics tương đương khoảng 10-13% GDP ở các nước phát triển, khoảng 15- 20% ở các nước đang phát triển. Việc giảm chi phí logistics góp phần tích cực tăng sức cạnh tranh của hàng hóa ở một quốc gia.
Hoạt động logistics ở Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được nhiều tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chưa tạo ra sự gắn bó đầy đủ, thúc đẩy phát triển chung cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại phí cao, tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, thời gian kéo dài, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn của các khu vực cảng là cơ sở hạ tầng kết nối với vùng tập trung hàng hóa còn yếu. Đáng chú ý nhất là các địa phương hầu như còn thiếu trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ cung cấp chuyên dụng.
Về phía doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics tại Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp vẫn nặng truyền thống mua CIF bán FOB, chỉ khoảng 30% số doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực logistics hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp, chiếm 25% thị phần của thị trường logistics Việt Nam. Trong khi đó số doanh nghiệp FDI tương đương khoảng 4-5% số lượng các doanh nghiệp trên thị trường, nhưng chiếm tới 75% thị phần.
Vốn điều lệ của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực logistics phần lớn nằm trong khoảng từ 4-6 tỷ đồng và chiếm khoảng 72% số lao động trong lĩnh vực này (số lao động bình quân khoảng 30-40 lao động/doanh nghiệp). Tuy nhiên, số lao động được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp chỉ có khoảng 5-7%.
Với những yếu kém của ngành logistics, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương đưa logistics vào danh mục các lĩnh vực, ngành hàng ưu tiên triển khai thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, có chính sách ưu tiên triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ dịch vụ logistics theo mô hình đối tác công- tư, phù hợp với quy hoạch và kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Đối với nguồn nhân lực cho ngành logistics, Bộ Công Thương kiến nghị giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xem xét xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chuyên nghiệp, đào tạo nghề về logistics trong thời gian tới để hình thành đội ngũ nhân lực có chất lượng phục vụ, phát triển ngành.