(HQ Online)- Trước thông tin Cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo tới các nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam, Báo Hải quan đã phỏng vấn ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Nguồn nguyên liệu của các DN chế biến XK được các DN xử lý như thế nào, thưa ông?
Thực tế, các ngư trường khai thác chính nguyên liệu hải sản phục vụ cho XK của Việt Nam bao gồm các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào Nam Trung bộ (Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận…) và các tỉnh Nam bộ (Kiên Giang, Cà Mau…), được khai thác bằng các tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Nguồn nguyên liệu của các địa phương này cung cấp hầu hết nguyên liệu cho các DN chế biến và XK các mặt hàng hải sản chính như cá ngừ, cua ghẹ, surimi cá khô và cá biển khác… Và nhiều DN cũng đang chế biến XK từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác.
Hơn nữa trong thời gian qua Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo khảo sát, lấy mẫu và khẳng định các khu vực khai thác xa bờ (vùng biển xa bờ ngoài 20-30 hải lý) thuộc 4 tỉnh có hiện tượng cá chết đều an toàn.
Bộ NN & PTNT đã có công văn 3441/BNN-TCTS ngày 2-5-2016 chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai các biện pháp để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cho tiêu thụ nội địa và XK. Các cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm tại địa phương (Chi cục an toàn thực phẩm, Chi cục quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) tăng cường giám sát hoạt động khai thác, tổ chức lấy mẫu sản phẩm hải sản cập cảng để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế.
Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cũng đã gửi công văn 894/QLCL-CL1 ngày 11-5-2016 yêu cầu các cơ sở chế biến XK thủy sản tuyệt đối không thu mua cá chết để chế biến XK, chủ động lấy mẫu giám sát tăng cường các chỉ tiêu ô nhiễm (thủy ngân, chì, cadimi, arsen) trong các lô hải sản nguyên liệu. Cho đến nay, cùng với sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ của NAFIQAD, các DN chế biến và XK đã và đang nghiêm túc thực hiện việc kiểm soát các chỉ tiêu trên cũng như tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng sản phẩm XK ổn định.
Do vậy, vụ việc cá chết bất thường tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) không gây ảnh hưởng đến nguồn cung và mức độ an toàn cho nguyên liệu hải sản XK… và có thể khẳng định chất lượng các mặt hàng hải sản XK không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết ở ven biển 4 tỉnh miền Trung trong thời gian qua.
Nguồn nguyên liệu chế biến hải sản XK của các DN Việt Nam hiện nay có thuận không thưa ông?
Cùng với lợi thế về nguồn nguyên liệu khai thác, nguồn nguyên liệu nhập khẩu, công suất sản xuất, năng lực và công nghệ chế biến tốt, sản xuất và XK các mặt hàng hải sản của Việt Nam đóng góp trên 30% giá trị XK thủy sản của Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2015, XK các mặt hàng hải sản của Việt Nam (cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá khô, cá biển khác…) đạt trên 2 tỷ USD, chiếm 33% tổng kim ngạch XK thủy sản. XK thủy sản của cả nước 4 tháng đầu năm 2016 đạt trên 2 tỷ USD, tăng gần 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thì các mặt hàng kể trên đã đạt 646 triệu USD.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu chế biến và XK hải sản khá thuận lợi vì sản lượng khai thác tăng. Thời tiết biển thuận lợi, Nghị định 67 của Chính phủ về hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu cá tiếp tục phát huy hiệu quả, số tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ tăng lên, tạo động lực cho bà con ngư dân tích cực bám biển ra khơi.
Sản lượng khai thác thuỷ sản 5 tháng đầu năm 2016 ước tính đạt 1.298 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khai thác biển ước đạt 1.235 nghìn tấn, tăng 2,9% so với tháng 5/2015. Tại 3 tỉnh đánh bắt cá ngừ đại dương, 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 9.333 tấn cá ngừ. Trong đó Bình Định đạt 4.720 tấn tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước; Khánh Hòa đạt 1.974 tấn tăng 15% so với cùng kỳ năm trước…
Xin cảm ơn ông!