EVFTA mở hơn cho doanh nghiệp Việt

Hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhìn chung được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam (EVFTA) chủ yếu nhờ có sự tham gia của Hoa Kỳ – thị trường lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhưng trên thực tế Việt Nam và EU mở cửa cho nhau nhiều hơn so với TPP.

 EVFTA
Mặt hàng giày dép sẽ được EU xóa bỏ toàn bộ thuế trong bảy năm, sau khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: TUỆ DOANH

“Trong đàm phán TPP cũng như EVFTA, chúng tôi không muốn tạo ra sự phân biệt đối xử giữa hàng hóa của Hoa Kỳ và EU khi vào Việt Nam, nhưng đàm phán dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Trong đàm phán hiệp định với Việt Nam, EU đưa ra các bản chào hấp dẫn, nên bản thân Việt Nam cũng thấy cần có sự đáp ứng tốt trở lại với EU, do đó có một chút khác biệt giữa TPP và EVFTA, như Việt Nam có những đối đãi tốt hơn với EU trong mua sắm chính phủ”, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết tại một buổi họp báo vào đầu tháng 6 bên lề hội thảo về EVFTA do Bộ Công Thương và Phái đoàn Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam tổ chức nhân chuyến thăm của Trưởng đoàn đàm phán EU, ông Mauro Petriccione đến Việt Nam.

Nhiều mặt hàng Việt Nam được EU ưu đãi hơn Hoa Kỳ

Theo ông Trần Quốc Khánh, khi đàm phán EVFTA, EU đồng ý xóa bỏ ngay trên 85% dòng thuế mà EU đang áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sau khi hiệp định có hiệu lực. Trong bảy năm sau khi hiệp định có hiệu lực, có trên 99% dòng thuế sẽ được EU xóa bỏ cho hàng hóa Việt Nam.

Có nhiều mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh được hưởng lợi về ưu đãi thuế quan như dệt may, giày dép, điện thoại, linh kiện máy tính, đặc biệt thủy sản được xóa bỏ thuế, EU cũng dành những cam kết có ý nghĩa cho tôm, gạo, đồ gỗ của Việt Nam.

Đối với hàng may mặc, EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế trong bảy năm sau khi hiệp định có hiệu lực (trong đó các mặt hàng may mặc ít nhạy cảm được xóa bỏ ngay hoặc sau ba năm, mặt hàng nhạy cảm xóa bỏ sau 5-7 năm), và yêu cầu đáp ứng xuất xứ từ vải trở đi, trong đó cho phép việc nhập vải từ Hàn Quốc (thay vì đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi trong TPP).

Với giày dép, EU cũng sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế trong bảy năm, trong đó các mặt hàng giày ít nhạy cảm đối với EU (chẳng hạn như giày thể thao – vốn là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam) sẽ được xóa bỏ thuế ngay hoặc sau ba năm, và các mặt hàng giày thuộc dòng hàng hóa nhạy cảm sẽ được xóa bỏ thuế sau bảy năm.
EU cũng dành cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam điều kiện tiếp cận rất tốt thị trường này, như thuế suất cho cá xóa bỏ trong ba năm, và miễn thuế trong hạn ngạch đối với 20.000 tấn/năm gồm đường và các sản phẩm chứa nhiều đường, 30.000 tấn tinh bột sắn, 5.000 tấn bắp ngọt (và bỏ thuế hoàn toàn cho bắp non mà không quy định hạn ngạch), 400 tấn tỏi, 350 tấn nấm, 500 tấn cá viên…

Mặc dù gạo là mặt hàng nhạy cảm vì một số nơi tại châu Âu vẫn đang trồng lúa gạo, nhưng EU gần như miễn thuế cho gạo Việt Nam trong hạn ngạch. Cụ thể, EU miễn thuế cho hạn ngạch 30.000 tấn gạo trắng (milled rice), 20.000 tấn gạo lức (husked rice), và giảm ngay 50% thuế đối với gạo tấm và giảm dần trong năm năm.

Về quy tắc xuất xứ, theo bà Frauke Sommer, điều phối viên về chính sách, DG Trade, Ủy ban châu Âu (European Commission), quy tắc xuất xứ trong EVFTA không phải là một sáng kiến mới, mà chủ yếu dựa trên quy chuẩn về xuất xứ được quy định trong Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU, nên doanh nghiệp Việt Nam rất quen thuộc với quy tắc này. Riêng may mặc, da giày là các mặt hàng được Việt Nam quan tâm trong đàm phán EVFTA, do đó có ngoại lệ đối với các sản phẩm này, chẳng hạn như Việt Nam có thể mua vải từ EU và Hàn Quốc.

“Chúng tôi tin tưởng hiệp định này khi có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên phía Việt Nam phải đáp ứng các quy định về chất lượng, môi trường. Mục tiêu của các quy định này là chính đáng vì doanh nghiệp cả hai phía đều tuân thủ tiêu chuẩn này nên Việt Nam không có lý do gì buộc EU bỏ rào cản này, trong trường hợp nếu Việt Nam thấy EU có những rào cản chưa phù hợp thì có thể thảo luận, tham vấn để yêu cầu EU sửa lại các quy định này cho phù hợp. Trong tương lai, hai bên có thể thỏa thuận thừa nhận tiêu chuẩn lẫn nhau, nhưng việc này đòi hỏi phải có thời gian”, ông Khánh cho biết.

Nhà đầu tư đến từ EU sẽ được mở nhiều hơn TPP

Theo ông Trần Quốc Khánh, có một số khác biệt giữa TPP và EVFTA nhưng không mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn, đối với cam kết về dịch vụ trong EVFTA, có một số lĩnh vực Việt Nam đồng ý mở cửa cho EU nhưng không cam kết mở cửa trong TPP, như dịch vụ feeder – dịch vụ tàu gom hàng, và dịch vụ container rỗng dành riêng cho các hãng tàu EU.

Cụ thể, theo cam kết trong EVFTA – bản tiếng Anh – được Bộ Công Thương Việt Nam công bố, đối với dịch vụ gom hàng, Việt Nam sẽ cho phép các nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hải quốc tế của EU được cung cấp dịch vụ tàu gom hàng giữa cảng Quy Nhơn và cảng Cái Mép – Thị Vải với điều kiện tàu mẹ phải dừng tại cảng Cái Mép – Thị Vải.

Đối với dịch vụ container rỗng, Việt Nam cho phép các nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hải quốc tế của EU chở các container rỗng giữa cảng Quy Nhơn và cảng Cái Mép – Thị Vải. Sau năm năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực (EVFTA dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018), các nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hải quốc tế của EU được vận chuyển các container rỗng này giữa các cảng của Việt Nam với điều kiện tàu mẹ phải đậu tại các cảng của Việt Nam.

Theo ông Khánh, bên cạnh việc tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, trong EVFTA có các điều khoản để giúp Việt Nam tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng đã có, như cảng Cái Mép – Thị Vải, qua việc tạo điều kiện cho các hãng tàu của EU có thể vận chuyển các container rỗng đến cảng này.

Ngoài ra, ông Khánh cũng cho biết, trong mua sắm chính phủ, Việt Nam cũng đưa ra một số cam kết bổ sung nhưng chỉ áp dụng cho nhà thầu EU, không áp dụng cho TPP.

Theo một nguồn tin am hiểu về việc này, đối với lĩnh vực mua sắm chính phủ, trong TPP, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa cho nhà đầu TPP tham gia việc mua sắm của các bộ ngành trung ương, và với các đơn thầu có giá trị từ 40 tỉ đồng trở lên. Tuy nhiên, trong EVFTA, do EU dành cho Việt Nam các cam kết thuận lợi hơn đối với hàng xuất khẩu, nên Việt Nam cam kết mở cửa thêm cho EU một cách hạn chế đối với lĩnh vực mua sắm chính phủ.

Cụ thể, trong EVFTA, bên cạnh các bộ ngành trung ương, Việt Nam cũng cam kết mở cửa cho nhà thầu EU tham gia đấu thầu mua sắm của hai thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội, và hai tập đoàn lớn là tập đoàn Điện lực (EVN) và tập đoàn Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, phía Việt Nam vẫn có một số bảo lưu trong cam kết này, nhằm tạo điều kiện cho TPHCM, Hà Nội và hai tập đoàn nhà nước vừa nâng cao hiệu quả mua sắm đồng thời vẫn giữ lại được bảo lưu cần thiết để bảo đảm cho dịch vụ, hàng hóa của nhà thầu trong nước.

Việt Nam bảo lưu bằng cách mở cửa đối với những gói mua sắm có giá trị từ ngưỡng thầu tương đối cao, và cần thời gian 15 năm để từ ngưỡng thầu cao này về mức bình thường theo quy định của hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về mua sắm chính phủ (GPA). GPA quy định áp dụng các quy tắc về mở cửa mua sắm chính phủ đối với các gói thầu hàng hóa, dịch vụ phải từ 150.000 quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) tương đương 4 tỉ đồng Việt Nam trở lên, và các gói thầu xây dựng tương đương 160 tỉ đồng Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng bảo lưu bằng một số biện pháp dành ưu tiên cho hàng hóa dịch vụ trong nước, và duy trì các bảo lưu này trong 18 năm sau khi EVFTA có hiệu lực.

Thêm cơ hội vào EU?

Ông MAURO PETRICCIONE, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thương mại Ủy ban châu Âu (DG Trade, European Commission), Trưởng đoàn đàm phán EVFTA của EU, đã trao đổi một số vấn đề với các phóng viên nhân chuyến thăm Việt Nam vào tuần qua. Dưới đây là phần lược ghi của TBKTSG.

EVFTA
Ông Mauro Petriccione.

Gần đây nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết nhu cầu tiêu dùng của thị trường EU đang có vẻ giảm sút ông có đồng ý với nhận định này không?

Ông MAURO PETRICCIONE: Đúng là nhu cầu của EU không cao bằng thời điểm trước khủng hoảng, nhưng đối với các mặt hàng như dệt may, da giày của Việt Nam thì EU vẫn là thị trường nhập khẩu lớn. Việt Nam vẫn là nhà xuất khẩu giày lớn thứ hai sang EU, sau Trung Quốc. Đối với những mặt hàng này, chúng tôi cũng nhập khẩu nhiều hơn thị trường Mỹ. Có thể thời điểm này doanh nghiệp Việt Nam thấy nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để vực dậy nền kinh tế EU.

Có ý kiến từ Hiệp hội Da Giày Việt Nam cho rằng thị trường da giày Mỹ đang có nhiều tiềm năng, còn tại EU đã bão hòa. Ngoài ra, EU cũng mở cửa cho gạo từ Việt Nam, nhưng để chúng tôi có thể cạnh tranh được với gạo Thái là rất khó, xin ông giải thích thêm?

– Tôi không đồng ý với ý kiến là thị trường EU bão hòa. Tôi đã có cuộc nói chuyện với một đại diện của ngành da giày Việt Nam và tôi không thấy sự quan ngại này, tôi chỉ nghe họ nói về việc doanh nghiệp đang trông chờ giảm thuế đối với giày dép xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đó cũng là điều mà chúng tôi nói với ngành sản xuất giày của chúng tôi là họ sẽ gặp sự cạnh tranh mạnh hơn từ giày Việt Nam, và đừng quên rằng hiện nay Việt Nam đã vượt qua được giày Ý trong xếp hạng các nhà xuất khẩu giày lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào của Việt Nam cũng đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của EU. Nếu Việt Nam cải thiện chất lượng sản phẩm thì luôn có thị trường cho sản phẩm đó. Nói tóm lại, Việt Nam có đẩy mạnh được xuất khẩu hay không phụ thuộc vào việc chất lượng hàng hóa được cải thiện nhanh như thế nào. EVFTA tạo ra một quá trình để doanh nghiệp nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn, tạo cơ hội trao đổi để các nhà sản xuất Việt Nam hiểu và tuân thủ các tiêu chuẩn. Sẽ có những hỗ trợ kỹ thuật, cũng như hợp tác, và điều quan trọng là làm sao các nhà sản xuất thay đổi được cách sản xuất – điều này hết sức quan trọng cho Việt Nam.

Thu Nguyệt

TBKTSG