Chuyện quả cam và Logistics

Khi tôi đang ngồi trò chuyện với ông Võ Hữu Hào, chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thì một đối tác vào trình bày về phương án xây dựng thương hiệu cam Thượng Lộc. Tôi ngồi nghe và thấy mừng vì logistics bây giờ không còn là chuyện trong các hội thảo mà đã về với bà con nông dân vùng sâu, vùng xa.

Trăn trở một thương hiệu

Sau gần 20 năm có mặt và phát triển trên vùng đất Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), cây cam chanh đã khẳng định được vị trí bởi sự thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng, có hương vị đậm đà không thua kém gì các sản phẩm cam nổi tiếng trong tỉnh như: Cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, cam chanh Cẩm Yên…

Nhớ lại những ngày đầu, đưa “mồi”, tức là trồng thử những gốc cam đầu tiên trên khu vườn rừng bao năm bị bỏ quên, bà Phan Thị Hiền (xóm An Hùng, Thượng Lộc, Cam Lộc) bộc bạch: “Ngày đó vùng này khá hoang sơ, cây cỏ mọc um tùm. Với 2 ha đất, nhờ chính sách của huyện, xã rồi dần dần 10 năm vượt qua khó khăn, cơ ngơi hiện có của gia đình là 1.000 gốc cam, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.”

Thượng Lộc còn ghi dấu nhiều “đại gia” trồng cam ở xóm An Hùng như mô hình trang trại trồng cây ăn quả của ông Phan Văn Trường, hàng năm thu về trên 200 triệu đồng; ông Đặng Việt có diện tích cam khổng lồ với 1.600 gốc…

Cùng với thôn An Hùng, phong trào trồng cam và cây ăn quả đã lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn các thôn như: Nam Phong, Vĩnh Xá, Thanh Mỹ, Sơn Bình. Từ lợi ích kinh tế thấy rõ, những năm qua, diện tích cây cam chanh và một số cây ăn quả khác ở Thượng Lộc không ngừng mở rộng. Đến nay, toàn xã có 275 hộ trồng cam.

Riêng vụ cam 2013, Thượng Lộc thắng lớn với 1.500 tấn cam chanh, nhiều gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm…

Chuyện quả cam và Logistics

Mặc dù cây cam chanh có thâm niên gần 20 năm bám trụ và phát triển trên đất Thượng Lộc, tuy nhiên, trăn trở hiện nay của người trồng cam là thương hiệu cho sản phẩm. Bà Phan Thị Hiền bày tỏ: “Với số lượng nhiều, chất lượng tốt nên cam Thượng Lộc có mặt khắp thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, một khi chưa xây dựng được thương hiệu thì cam Thượng Lộc vẫn còn nhiều thiệt thòi so với các loại cam đặc sản cùng loại khác”.

Trăn trở của người nông dân đã được UBND huyện Can Lộc “vào cuộc”!

Khi lãnh đạo “xắn tay” vào cuộc

Với sự cẩn trọng trong việc xác định và chọn chủng loại cây trồng phù hợp và hiệu quả, xã đã mời cán bộ khoa học Trường Đại học Nông nghiệp về khoan thăm dò địa chất ở các vùng đất có thể trồng cây ăn quả. Kết quả là hầu hết đất của xã Thượng Lộc đều có lớp sỏi dẹt dày và chứa hàm lượng vôi hóa lớn, có tác dụng kéo dài tuổi thọ và tạo vị ngọt đậm cho cam và một số cây ăn quả có múi khác. Từ đây, cây cam chanh bắt đầu được “kéo về” đất Thượng Lộc với vai trò là cây trồng hàng hóa.

Với sự định hướng và hỗ trợ tích cực của huyện, dự án đầu tư xây dựng mô hình phát triển cây cam ngọt trên đất Thượng Lộc do tổ chức ActionAid VN (tổ chức phát triển phi lợi nhuận quốc tế hoạt động vì mục tiêu xóa bỏ đói nghèo trên phạm vi toàn cầu) đầu tư, đã tạo cú huých quan trọng đưa phong trào trồng cây cam chanh trên vườn rừng phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Đối với huyện có truyền thống “thuần nông” như Can Lộc thì việc xây dựng mô hình luôn có ý nghĩa quan trọng. Chính vì thế, năm 2016 huyện đã và đang tập trung xây dựng 3 mô hình nông nghiệp ứng dụng KHKT, công nghệ cao ở 3 vùng kinh tế.

Đối với các xã vùng Trà Sơn là mở rộng diện tích cây ăn quả có giá trị cao như cam, bưởi, xây dựng thương hiệu “Cam Thượng Lộc”, tập trung phát triển trang trại chăn nuôi, rau củ quả công nghệ cao ở xã Thiên Lộc, liên kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất cánh đồng mẫu lớn, phát trển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi bò sữa ở các xã Thường Nga, Gia Hanh…

Quá trình xây dựng thương hiệu cho quả cam Thượng Lộc đã được Hội đồng KH&CN cấp tỉnh Hà Tĩnh xem xét cẩn trọng với mục tiêu: nhận diện tài sản trí tuệ và xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận “Cam Thượng Lộc” cho cam quả; kiểm soát chất lượng, kiểm soát hoạt động nhân giống, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và kinh doanh cam, nâng cao giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa của cam quả; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, hộ gia đình, hợp tác xã nhân giống, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và kinh doanh cam, chống các hành vi xâm phạm quyền, hàng giả, hàng nhái; sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội…

Xây dựng thương hiệu, kết nối trong hệ thống phân phối để tạo ra giá trị nông sản hàng hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu là câu chuyện đã được bắt đầu ở vùng quê Thượng Lộc.

Ngô Đức Hành
Vietnam Logistics Review