Ứng viên tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cho biết, nếu ông trở thành tổng thống, ông sẽ “bắt Apple sản xuất những chiếc máy tính và iPhone của họ trên đất của chúng ta, không phải Trung Quốc.” Ông Bernie Sanders cũng kêu gọi Apple sản xuất các thiết bị của họ ở nước Mỹ thay vì Trung Quốc.
Nhưng không ứng viên có thể làm điều đó diễn ra ngay lập tức. Trước đây ông Obama từng hỏi Steve Jobs tại sao Apple không sản xuất điện thoại ở quê nhà, nhưng lý do không chỉ vì giá lao động ở Trung Quốc rẻ hơn. Trung Quốc còn mang đến một lực lượng lao động có tay nghề, các nhà máy linh hoạt và các nhà cung cấp linh kiện mà Apple tin rằng, có thể trang bị lại nhanh hơn so với các đối tác Mỹ của họ.
Nhưng nếu gạt thực tế phũ phàng đó sang một bên, và tưởng tượng Apple có thể thuyết phục một trong những nhà gia công của Trung Quốc mở nhà máy trên nước Mỹ và tự mình làm nó. Liệu điều đó có hiệu quả hay không? Apple có thể có lợi nhuận khi sản xuất iPhone, cũng như các dòng máy tính Mac cao cấp ở Mỹ, mà không phải tăng giá hay không? Điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu bạn có thể thực hiện phép tính như của chúng tôi dưới đây:
Kịch bản thứ nhất
Hiện nay các nhà thầu của Apple lắp ráp iPhone trong 7 nhà máy – 6 ở Trung Quốc và 1 ở Brazil. Nếu những chiếc điện thoại được lắp ráp tại Mỹ nhưng Apple vẫn phải mua các bộ phận trên toàn cầu, giá của thiết bị sẽ thay đổi bao nhiêu?
Theo IHS, một công ty phân tích thị trường, các linh kiện của chiếc iPhone 6s Plus, đang được bán với giá 749 USD, sẽ tốn khoảng 230 USD. Chiếc iPhone SE, sản phẩm mới nhất của Apple, đang được bán với giá 399 USD, và IHS ước tính nó chứa các linh kiện trị giá 156 USD.
Theo IHS, lắp ráp các bộ phận này thành một chiếc iPhone sẽ tốn khoảng 4 USD mỗi chiếc và khoảng 10 USD theo ước tính của Jason Dedrick, một giáo sư của Trường Nghiên cứu Thông tin tại Đại học Syracuse. Dedrick cho rằng những công việc như vậy sẽ tốn từ 30 đến 40 USD cho mỗi chiếc nếu được làm tại Mỹ. Một phần là do chi phí lao động ở Mỹ cao hơn, nhưng phần lớn là do việc gia tăng chi phí vận tải và logistic khi vận chuyển các linh kiện này đến Mỹ.
Giả sử rằng mọi chi phí khác giữ nguyên, giá cuối cùng của một chiếc iPhone 6S Plus sẽ tăng khoảng 5%.
Vậy điều này sẽ mang lại ích lợi gì cho nước Mỹ? Apple cho biết các nhà cung cấp của họ sử dụng hơn 1,6 triệu lao động. Nhưng công đoạn lắp ráp cuối cùng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí. Vì vậy, ngay cả khi Apple có thể thuyết phục được Foxconn hay nhà cung cấp khác lắp ráp iPhone tại Mỹ, mà không cắt giảm một cách mạnh tay lợi nhuận của mình, điều đó sẽ không mang lại tác dụng thay đổi như ông Trump hay ông Sanders kỳ vọng.
Kịch bản thứ hai
Vậy nếu các linh kiện cũng được làm tại Mỹ thì sao?
Gần một nửa trong số các nhà cung cấp của Apple (346 trên tổng số 766 nhà cung cấp các linh kiện cho iPhone, iPad và Mac) nằm ở Trung Quốc. Nhật Bản có 126, Mỹ có 69 và Đài Loan có 41.
Mặt trước của iPhone được làm từ kính cảm ứng Gorilla của hãng Corning. Hãng này sản xuất kính cảm ứng trong các nhà máy đặt tại Kentucky, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Màn hình cảm ứng được làm từ kính và các con chíp máy tính bên dưới là một trong những linh kiện đắt nhất của điện thoại. Theo IHS, nó tốn khoảng 20 USD cho mỗi chiếc iPhone SE.
Những quốc gia trong chuỗi cung ứng của Apple.
Một linh kiện đắt đỏ khác là bộ xử lý của điện thoại. Trong cả hai chiếc iPhone SE và 6S, đều sử dụng một con chip mà Apple tự thiết kế. Apple sau đó thuê Samsung và TSMC, một hãng Đài Loan gia công con chip này. Theo IHS, thành phần modem trên chiếc iPhone SE, được thiết kế bởi Qualcomm, có giá khoảng 15 USD cho mỗi chiếc. Ngoài ra, các bộ nhớ NAND và DRAM tốn thêm 15 USD mỗi bộ phận, các chip quản lý năng lượng giá 6,5 USD và bộ khuếch đại và thu phát sóng radio sẽ tốn thêm 15 USD nữa.
Phần nhiều trong số các con chip này được sản xuất theo từng hợp đồng, vì vậy khó để biết được chính xác chúng sản xuất ở đâu. Ví dụ, GlobalFoundries, một nhà gia công theo hợp đồng chủ yếu, sản xuất các microchip cho những công ty như Qualcomm ở Đức, Singapore, New York và Vermont. Duane Boning, một kỹ sư điện tử tại MIT, người chuyên gia công bán dẫn, cho biết anh nghĩ rằng “về cơ bản có một sự khác biệt nhỏ về chi phí” sản xuất ra các tấm bán dẫn giữa nước này với nước khác.
Các linh kiện tạo nên chiếc iPhone.
“Chi phí lao động chỉ là một phần nhỏ so với trang thiết bị và các phương tiện trong những nhà máy trị giá một tỷ USD.” Anh Boning cho biết.
Alex King, giám đốc Viện Critical Material, có trụ sở tại phòng thí nghiệm Ames của Cục Năng lượng, chỉ ra rằng, các nhà máy sản xuất chất bán dẫn sẽ trở nên lỗi thời chỉ vài năm sau khi nó được xây dựng. Điều đó có nghĩa là, “với mọi thế hệ chất bán dẫn mới, luôn có một cơ hội để đặt một nhà máy bán dẫn ở bất kỳ đâu trên thế giới, bao gồm cả Mỹ.” Các máy móc sử dụng trong các nhà máy như vậy phần lớn vẫn được sản xuất tại Mỹ.
Liệu các con chip và linh kiện khác nhau trong một chiếc iPhone có thể được sản xuất một cách kinh tế tại Mỹ hay không? Dedrick và các đồng nghiệp đã ước tính sản xuất các thành phần của một chiếc iPhone sẽ làm tăng thêm 30-40 USD chi phí cho thiết bị. Ban đầu “ít nhất các nhà máy tại Mỹ sẽ trở nên không cạnh tranh được trong phần lớn các mặt hàng và sẽ phải vận hành ở công suất thấp, thậm chí sẽ còn làm chênh lệch về chi phí tăng cao hơn.” Ông Dedrick chỉ ra, nhưng nó vẫn khả thi để lên kế hoạch.
Kịch bản này sẽ làm một chiếc điện thoại sẽ đắt thêm nhiều nhất là 100 USD, giả sử rằng nguyên liệu đầu vào cho các linh kiện này được mua trên thị trường toàn cầu.
Kịch bản thứ ba
Để thấy được toàn bộ sự quan trọng của thương mại trong nền kinh tế công nghệ cao, hãy tưởng tượng một kịch bản, thậm chí vượt quá cả những gì các ứng viên đề nghị: sẽ ra sao nếu Apple cố gắng sản xuất một chiếc iPhone “hoàn toàn của Mỹ” để nước Mỹ không còn phụ thuộc vào các chính phủ nước ngoài để truy cập vào các vật liệu cần thiết nữa?
Theo ông King tại phòng Thí nghiệm Ames, một chiếc iPhone có khoảng 75 nguyên tố, chiếm 2/3 bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học. Thậm chí ngay cả vỏ ngoài của iPhone cũng phải dựa chủ yếu vào các vật liệu không có sẵn ở Mỹ. Nhôm được lấy ra từ bôxít, nhưng hiện không có mỏ bô xít nào ở nước Mỹ. (Nhôm tái chế phải lấy từ các nguồn trong nước.)
Những nguyên tố được gọi là đất hiếm, (không hẳn vì chúng hiếm mà chúng khó có thể khai thác) vốn rất cần thiết, chủ yếu được lấy từ Trung Quốc, nước chiếm 85% nguồn cung trên toàn thế giới. Một nguyên tố như vậy, Hafni (Hf), là thành phần cơ bản cho các bóng bán dẫn của iPhone. Neodyum cần thiết cho các nam châm trên motor rung của điện thoại, cũng như trên microphone và loa. Lanthanum, một nguyên tố đất hiếm khác, xuất hiện trong ống kính máy ảnh.
Nói cách khác, “không sản phẩm công nghệ cao nào, đi từ mỏ cho đến khi lắp ráp hoàn thiện có thể được thực hiện chỉ ở một quốc gia.” Ông David Abraham, tác giả cuốn The Elements of Power, một cuốn sách về kim loại đất hiếm, cho biết. Chiếc iPhone là biểu tượng cho sự khéo léo của nước Mỹ, nhưng nó cũng là một minh chứng cho thực tế không thể tránh khỏi của nền kinh tế toàn cầu.