“Rào cản” hiệu suất và dán nhãn năng lượng: Khổ lắm, nói mãi…

(HQ Online)- Yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang được Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt, song tới nay có một “rào cản” hành chính mà DN đã than phiền nhiều năm nay chưa được tháo gỡ, đó là thủ tục dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu.

Công chức Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội-Cục Hải quan Hà Nội kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: HỮU LINH.

“Hành” doanh nghiệp

Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Quyết định số 11039/2014/QĐ-BCT trước tháng 9-2016 về danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm. Thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm tra, dán nhãn hiệu suất năng lượng, bãi bỏ các quy định không có hiệu quả thực tế, kéo dài thời gian thông quan, gây khó khăn, tăng chi phí cho DN.

Sau hơn một năm, từ ngày 1-1-2015 DN thực hiện quy định không được phép NK và sản xuất các thiết bị có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu (lộ trình áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo Quyết định 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện và Quyết định 78/2013/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục và lộ trình phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới), phóng viên Báo Hải quan đã tiếp xúc với một DN chuyên cung cấp thiết bị chiếu sáng. DN bức xúc cho biết: “Đây là mặt hàng thông dụng, nhưng các thủ tục NK chính ngạch khó khăn đã đẩy DN sang làm tiểu ngạch cho dễ. Một container hàng về phát sinh thêm mấy chục triệu đồng để dán nhãn năng lượng thì làm sao cạnh tranh với hàng tiểu ngạch. Cùng một mẫu đèn đã giám định rồi phải có thời hạn hiệu lực, chứ không phải lô hàng nào nhập về cũng phải làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng”.Một DN khác chuyên NK mặt hàng bóng đèn huỳnh quang thuộc danh mục mặt hàng phải áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu đã nêu lên những khó khăn gặp phải trong quy trình kiểm tra hiệu suất và dán nhãn năng lượng. Theo Điều 17 Nghị định 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định bộ hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng phải có kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị đáp ứng được mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo Quy chuẩn Việt Nam. Thế nhưng, thời gian để có kết quả thử nghiệm có thể kéo dài đến… 3 tháng (?)

Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) phản ánh việc: Năng lực hạn chế và rào cản hành chính đang gây nên sự thiếu hiệu quả trong hoạt động XNK của Việt Nam. Các nhà sản xuất và các công ty NK sản phẩm tiêu thụ điện đang phải đối mặt với những thách thức lớn để đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về dán nhãn và chứng nhận tiêu chuẩn điện năng tối thiểu. Điều mà AmCham đề nghị là cơ quan chức năng phải minh bạch những thủ tục. Theo Thông tư 07/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương, để được dán nhãn năng lượng và chứng nhận tiêu thụ hiệu suất năng lượng tối thiểu, các nhà sản xuất hay các công ty NK phải có mẫu hàng hóa được kiểm tra bởi đơn vị do Bộ Công Thương chỉ định. Việc kiểm tra có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng, phụ thuộc vào các sản phẩm và khối lượng công việc của những đơn vị kiểm tra. Trong hoàn cảnh hạn chế về số lượng và năng lực của các đơn vị kiểm tra thì yêu cầu mẫu hàng hóa phải được kiểm tra với từng lô hàng và kết quả kiểm tra chỉ sử dụng một lần đã gây ra tình trạng chậm trễ nghiêm trọng khi thông quan đối với các sản phẩm cần được dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu.

AmCham kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể thủ tục dán nhãn thông qua các biện pháp kiểm tra điều kiện của cơ sở sản xuất, đặc biệt đối với trường hợp cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Theo Thông tư 07/2012/TT-BCT, các nhà sản xuất có thể áp dụng dán nhãn hàng hóa thông qua kiểm tra cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào về mặt thủ tục, đặc biệt đối với trường hợp cơ sở sản xuất ở ngoài nước. Cụ thể là thời gian kiểm tra và chi phí trong quá trình kiểm tra tại chỗ, thời gian kiểm tra khi nào là thích hợp. Các sản phẩm của các hãng nổi tiếng trên toàn thế giới hoặc áp dụng công nghệ cao nên được miễn kiểm tra tiêu chuẩn điện năng tối thiểu tại các phòng thí nghiệm được công nhận trong nước. Theo AmCham việc quy định các sản phẩm thuộc các hãng sản xuất thiết bị điện tử nổi tiếng trên toàn thế giới như Apple, Dells, Canon, Sony, HP, Samsung… phải kiểm tra lại là không cần thiết và không phù hợp, đặc biệt là trong hoàn cảnh hạn chế về năng lực và nguồn lực tại các đơn vị tại Việt Nam. Cũng theo AmCham hàng điện tử được sản xuất theo quy trình được kiểm soát chặt chẽ và chắc chắn không thể có sự khác nhau về các chỉ số hiệu suất năng lượng giữa các sản phẩm cùng loại. Do đó, kiểm tra mẫu hàng của từng lô hàng cùng sản phẩm là không cần thiết và gây ra sự chậm trễ đáng kể trong quá trình thông quan và làm tăng chi phí cho nhà sản xuất hoặc công ty NK. AmCham cho rằng, đây là yêu cầu vô lý đang “biến” Việt Nam thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới yêu cầu kiểm tra đối với từng lô hàng.

Cần sự tiếp thu để đổi mới

Không chỉ DN phản ánh, cơ quan Hải quan khi thực hiện thủ tục thông quan cho DN cũng có nhiều ý kiến với Bộ Công Thương. Bằng nhiều cách, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã gửi đến Bộ Công Thương “thông điệp” cần đổi mới quản lý đối với hàng hóa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng hàng hóa XNK. Trước đó, Tổng cục Hải quan đã nhiều lần làm việc trực tiếp và gửi công văn tới Bộ Công Thương kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc quản lý NK hàng hóa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu. Tuy nhiên, những vướng mắc chưa được tháo gỡ. Theo phản hồi từ DN và Hải quan địa phương về thời gian thử nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu cho nhiều mặt hàng khá dài do năng lực hạn chế của hệ thống kiểm nghiệm. Việc bắt buộc thử nghiệm theo từng lô hàng khiến DN không thể chủ động thử nghiệm trước, làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.

Trong khi đó, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK, nêu rõ “hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải phù hợp với thông lệ quốc tế, với các Công ước, Hiệp định quốc tế Việt Nam đã ký kết và tham gia; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành; thừa nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành của nước XK, NK”. Vì vậy, mới đây nhất, ngày 27-5, khi tham gia ý kiến vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện (dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 51/2011/QĐ-TTg), Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương xem xét áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu khi NK; đồng thời xem xét việc DN NK được phép sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các lô hàng NK cùng số serial/model, cùng nhà sản xuất, cùng xuất xứ, tạo điều kiện cho quy trình thông quan được nhanh chóng. Để giảm tải cho các tổ chức thử nghiệm trong nước, Bộ Công Thương cần xem xét chấp thuận kết quả thử nghiệm của các tổ chức thử nghiệm được quốc tế công nhận.

Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có, định hướng đã rõ ràng, tuy nhiên việc thực thi như thế nào để tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, tạo thuận lợi cho DN là tùy thuộc vào các bộ, ngành. Và sẽ có những “con mắt” để giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền- đó chính là DN, người dân.

Ngọc Linh