(HQ Online)- Có nhiều lý do khiến Bộ Công Thương đã xin NK 200.000 tấn đường và khẩn trương thực hiện đấu giá 85.000 tấn đường NK theo hạn ngạch thuế quan.
Hụt khoảng 200.000 tấn
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1-6-2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý trước mắt cho phép nhập khẩu 100.000 tấn đường để góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước. |
Bộ Công Thương đã nhận được phản ánh từ phía DN có nhu cầu sử dụng đường làm nguyên liệu, các DN thương mại và cả nhà máy đường rằng, họ gặp khó khăn trong việc mua đường do giá cả liên tục tăng cao và không mua được đường với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng; có hiện tượng “găm hàng” tại một số DN thương mại kinh doanh đường. Vì vậy, các công ty thương mại, DN sản xuất chế biến thực phẩm và nhà máy chế biến đường đều có văn bản đề nghị Bộ Công Thương sớm xem xét cấp hạn ngạch thuế quan NK năm 2016 để phục vụ sản xuất và cung ứng cho thị trường.
Để có cơ sở điều hành XNK đường, trong tháng 4 Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT đã tổ chức đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra tình hình sử dụng đường tại một số DN chế biến sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và tình hình sản xuất, tồn kho tại một số nhà máy sản xuất, tinh luyện đường.
Căn cứ vào kết quả làm việc cùng với cân đối cung cầu đường năm 2016 của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đánh giá, năm 2016 dự kiến tổng nguồn cung đường giảm 200.000 tấn do lượng mía giảm 10% trong khi nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng khoảng 100.000 tấn. Hơn nữa, từ đầu năm 2016, giá đường liên tục tăng cao (đặc biệt từ sau tết Nguyên đán) đến tháng 4, tổng mức tăng khoảng 10-15% so với đầu vụ và tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 5, giá bán buôn đường kính trắng và đường tinh luyện tiếp tục tăng mạnh. Không chỉ đường nguyên liệu bán cho các DN sản xuất tăng giá, theo báo cáo của một số địa phương, giá đường bán lẻ bắt đầu tăng, giá bán lẻ dao động ở mức 18.000-22.000 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước.
Giải pháp trước mắt của Bộ Công Thương là khẩn trương thực hiện đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan NK 85.000 tấn đường, đồng thời chỉ đạo tạm dừng XK đường qua cửa khẩu phụ, lối mở. Mới đây, Bộ Công Thương đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép NK 200.000 tấn đường, cộng với 85.000 tấn đường được NK theo hạn ngạch thuế quan thì năm 2016, lượng đường sẽ NK vào khoảng 285.000 tấn.
Hiệp hội không phản đối!
NK 85.000 tấn đường theo hạn ngạch là việc vẫn được thực hiện hàng năm bởi theo cam kết trong WTO Việt Nam phải NK một lượng đường nhất định (tăng 5% theo từng năm). Tuy nhiên, việc NK đường trong hạn ngạch thuế quan năm nay có điểm khác biệt là Bộ Công Thương sẽ thực hiện đấu giá thay vì cơ chế phân giao như bao lâu nay vẫn làm.
Cho đến thời điểm này, phía Bộ Công Thương vẫn chưa công bố cách thức đấu giá như thế nào. Chỉ biết rằng, Bộ Công Thương đề nghị sẽ đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016 theo quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, Thông tư 03/2012/TT-BTC và Thông tư 23/2010/TT-BTP. Đối tượng tham gia đấu giá là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện để phù hợp với cam kết WTO là hạn ngạch quản lý theo phương thức A, tức là phân bổ hạn ngạch cho đối tượng sử dụng cuối cùng của hàng hóa. Đối tượng tham gia đấu giá trên cũng là đối tượng được phân giao hạn ngạch NK trong các năm qua.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, rất ủng hộ phương thức đấu giá này và phía Bộ Công Thương sẽ sớm công bố cách thức để thực hiện. Như vậy, trong bối cảnh nguồn cung trong nước thiếu hụt thì việc sớm cho NK đường trong hạn ngạch thuế quan cũng là một biện pháp để bình ổn thị trường.
Với kiến nghị NK thêm 200.000 tấn đường của Bộ Công Thương, ông Hải cho rằng, việc Bộ Công Thương đề nghị được NK đường là căn cứ trên tình hình cung cầu trong nước. Cho đến thời điểm này, Hiệp hội chỉ biết chắc sản lượng đường và số đường tồn kho trong các nhà máy thuộc Hiệp hội. Vẫn còn vài “ẩn số” mà VSSA không nắm được như: Lượng đường tồn kho trong hệ thống lưu thông phân phối (do giá cả năm nay tốt nên DN thương mại sẽ có dự trữ); đường nhập lậu dù đã được kiểm soát nhưng vẫn có; lượng đường NK từ Lào cũng không biết khi nào nhập về. “Do vậy, trong vai trò của Hiệp hội, chúng tôi chỉ kiến nghị rằng, đối với việc NK đường, cơ quan quản lý cần cẩn trọng trong các đề xuất vì sẽ ảnh hưởng đến ngành sản xuất mía đường trong thời gian tới. Bộ Công Thương nên kiểm tra kỹ các dữ liệu và có sự dè dặt trong NK”, ông Hải nói.