Rất bát nháo
Ông Võ Sỹ Nhân, Tổng giám đốc Empire City cho biết nhiều lần đáp chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông phải đi bộ vài trăm mét để bắt taxi hoặc yêu cầu tài xế của mình đón ở đằng xa vì khu vực đón taxi ở sân bay rất bát nháo.
“Không chỉ riêng tôi mà nhiều hành khách khác, cả trong và ngoài nước đều nhận xét như vậy, ở cả khu vực ga quốc nội hay quốc tế của sân bay” – ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, điêu này ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của TP, nhất là trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, khi chúng ta kêu gọi mạnh mẽ sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng như chủ trương phát triển dịch vụ, du lịch của TP.
Chia sẻ với câu chuyện của ông Nhân, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói: “Tôi cũng từng là nạn nhân ở sân bay Tân Sơn Nhất”.
Ông Phong cho biết nhiều lần ông không đi theo tiêu chuẩn khách VIP ở sân bay Tân Sơn Nhất nên rất hiểu tình trạng lộn xộn ở khu vực đón, đỗ taxi nơi đây.
“Tuy nhiên, sân bay Tân Sơn Nhất lại không thuộc thẩm quyền quản lý của TP.HCM. TP đã nhiều lần có ý kiến phản ánh, kiến nghị đơn vị có thẩm quyền chấn chỉnh” – ông Phong thông tin.
Góp ý thêm với lãnh đạo TP, ông Nhân cho rằng ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP cần quan tâm thu hút các định chế tài chính, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư làm ăn ở Thủ Thiêm.
“Các đối tác nước ngoài thường hỏi tôi: Tại sao ở khu bờ Tây – tức khu hành chính hiện tại của TP vẫn còn nhiều không gian, nhiều diện tích có thể đặt trụ sở. Hãy nói cho chúng tôi biết tại sao lại đẩy chúng tôi đến bờ Đông – tức khu đô thị Thủ Thiêm? Phải trả lời được câu hỏi này một cách thuyết phục thì nhà đầu tư mới hào hứng đến với Thủ Thiêm” – ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, kinh nghiệm ở các nước cho thấy để thu hút được nhà đầu tư tầm cỡ, họ có những chính sách ưu đãi như giảm thuế thu nhập, tạo thuận lợi về visa cho nhà đầu tư đến TP…
Cũng cùng tiếp cận vấn đề theo góc độ phải trả lời cho doanh nhân, doanh nghiệp tầm cỡ trong và ngoài nước lý do vì sao nên chọn TP.HCM làm điểm đến, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talent Net cho rằng cần tạo ra những “điểm cộng” để xác lập ưu thế thu hút nhân lực chất lượng cao cho TP.
Chẳng hạn như ưu đãi về cơ hội và chi phí giáo dục cho con em của người giỏi đến TP làm việc, miễn thuế, cải cách thủ tục hành chính…
Kiểu làm ăn “ăn xổi ở thì” sẽ không thể tồn tại
Phát biểu về vấn đề thu hút, đào tạo nguồn nhân lực, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng trong giai đoạn hội nhập như hiện nay, thế giới đã xích gần nhau. Càng ngày, ranh giới và các rào cản đang dần được tháo bỏ, khái niệm “chảy máu chất xám” có vẻ như đã không còn phù hợp. Điều quan tâm nhất của những người giỏi là môi trường để họ cống hiến.
“Dĩ nhiên, thời buổi hiện nay, chúng ta cũng không thể duy ý chí đến mức chỉ kêu gọi bằng miệng mà không chú ý đến vấn đề thu nhập” – ông Phong nêu quan điểm. Ông cho biết TP đã giao Sở Giáo dục xây dựng cơ chế thu hút nhân tài cho TP.
Ông Phong cho rằng khi hội nhập sâu, nếu vẫn giữ kiểu làm ăn “ăn xổi ở thì” sẽ không thể tồn tại.
“Khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, làm sao anh có thể dùng mệnh lệnh hành chính để chi phối? Phải cạnh tranh bằng chính chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu của mình” – ông Phong nói.
Ông Phong mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ luôn chia sẻ và đồng hành cũng lãnh đạo TP, cùng thực hiện mục tiêu đưa TP.HCM thành đầu tàu, thành trung tâm về kinh tế, tài chính, dịch vụ, thương mại ở khu vực.
Tuổi trẻ