Nguồn tin từ báo Người Lao Động cho biết, Bộ Công Thương yêu cầu sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải được ưu tiên tiêu thụ tại thị trường nội địa, trong trường hợp tiêu thụ nội địa khó khăn thì mới xem xét đến phương án xuất khẩu. Bộ Công Thương có công văn gửi Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn về việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bộ Công Thương đề nghị Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn tiếp tục tích cực đàm phán với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để bán tối đa sản phẩm phục vụ tiêu thụ, pha chế trong nước. Đồng thời, Bình Sơn cần có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy Dung Quất để tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của nhà máy. “Trong trường hợp tình hình tiêu thụ nội địa khó khăn, tồn kho sản phẩm có nguy cơ vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng đến hiệu quả và an toàn vận hành của nhà máy thì mới xem xét đến phương án xuất khẩu. Việc xuất khẩu sản phẩm xăng dầu thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, đề nghị công ty có văn bản giải trình cụ thể và gửi bản đăng ký điều chỉnh kế hoạch sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu để Bộ Công Thương xem xét theo quy định” – Bộ cho biết. Mới đây, Bộ Tài Chính cho biết đang kiến nghị Thủ tướng chỉ thu điều tiết tương đương thuế nhập khẩu 10% đối với Bình Sơn (hiện đang ở mức 20%) và tự quyết định giá bán sản phẩm để cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập. Trước đó, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đều giảm mua từ nhà máy Dung Quất bởi từ đầu năm 2016, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc giảm xuống còn 10%, các loại dầu từ khu vực ASEAN về 0% trong khi mức đối với Dung Quất vẫn là 20% và 5%. Hiện, mặc dù Dung Quất đã phải giảm giá bán đối với xăng dầu 1-2 USD/thùng, song vẫn khó tiêu thụ vì giá cao hơn nhiều so với mặt hàng nhập từ ASEAN, Hàn Quốc.
Th.Dương/NLDO
|