Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng đô thị cảng biển tại Tân Thành

Để theo kịp tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang nung nấu quyết tâm xây dựng chính quyền đô thị cảng biển tại Tân Thành, nơi có hệ thống cảng nước sâu vận tải các tuyến nội địa và quốc tế.

Cảng biển phát triển nhảy vọt

Kể từ khi cảng nước sâu thương mại tổng hợp đầu tiên tại Tân Thành hoạt động vào năm 1998, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cảng nước sâu dọc sông Thị Vải – Cái Mép. Lợi thế địa lý, cũng như những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn đã mời gọi các nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới.
Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng đô thị cảng biển tại Tân Thành

Tân Thành phấn đấu trở thành một trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của Bà Rịa – Vũng Tàu

Hiện nay, hệ thống cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa vào khai thác 28 dự án có công suất khoảng 87,1 triệu tấn, gồm cả tuyến quốc tế và nội địa. Tổng vốn thực hiện đạt khoảng 42.367/134.221 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2014 thực hiện được khoảng 592 tỷ đồng.

Lượng hàng qua hệ thống cảng biển của tỉnh năm 2014 đạt 57,8 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2013. Trong đó, lượng hàng container xuất nhập khẩu phục hồi tốt, tăng 22,5% so với năm 2013 (9,36/7,64 triệu tấn, tương đương 1,38/0,9 triệu TEUs), hàng khô tăng 18% (17,2/14,55 triệu tấn), hàng lỏng đạt 13,1/12,9 triệu tấn và hàng quá cảnh tăng 18,5% (18,11/15,27 triệu tấn).

Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định, khu cảng Cái Mép – Thị Vải dành cho cảng tổng hợp container, cập tàu trọng tải 50.000 – 80.000 tấn. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đã xin điều chỉnh thiết kế cơ sở và thi công xây dựng bến cảng để cập tàu và làm hàng cho tàu có trọng tải hơn 100.000 tấn.

Hệ thống cảng biển phát triển đã đáp ứng nhu cầu giao thương cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tập trung, hoạt động trong các lĩnh vực: công nghiệp nặng và năng lượng lớn, trong đó có các nhà máy mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á như Nhà máy Thép Posco, Tháp gió Win Tower, tổ hợp Khí – Điện – Đạm…

“Cảng Cái Mép – Thị Vải là một trong 2 cụm cảng trung chuyển quốc tế của Việt Nam quan trọng nhất đất nước. Ngoài lợi thế rất tốt về luồng lạch, cụm cảng này còn gần các nguồn hàng lớn TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, vì vậy, nếu hoạt động tốt, hệ thống cảng này sẽ tác động đến kinh tế của cả miền Nam”, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Tiến tới mô hình đô thị cảng biển

Quy hoạch chung Xây dựng đô thị mới Phú Mỹ (Tân Thành) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 7/2013. Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có chủ trương tập trung thu hút đầu tư phát triển trung tâm dịch vụ logistics tại địa phương này.

Tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án Phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2011-2020, trong đó chú trọng việc xây dựng hệ thống dịch vụ logistics đạt trình độ quốc tế tại 2 khu vực cảng là Sao Mai – Bến Đình (Vũng Tàu) và Thị Vải – Cái Mép (Tân Thành)

Bà Rịa – Vũng Tàu xác định, ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Tân Thành là công nghiệp. Để theo kịp tiến trình phát triển của đô thị cảng biển trong tương lai, huyện Tân Thành tập trung phát triển dịch vụ phục vụ cảng, các khu công nghiệp.

Ông Lê Văn Xương, Chủ tịch UBND huyện Tân Thành cho biết, Tân Thành phấn đấu đến năm 2020 trở thành đô thị loại III, là một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của tỉnh. Huyện đã có những bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị cảng biển.

Cụ thể, huyện đang xây dựng kế hoạch trung hạn 2015 – 2020, trong đó lập kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết lập các thiết chế xã hội cần thiết cho đô thị thị xã Phú Mỹ theo chủ trương của Tỉnh ủy tại Nghị quyết 11-NQ/TU, cơ cấu nhân sự, bộ máy chính quyền khi Chính phủ công nhận thị xã Phú Mỹ. “Tân Thành đã hoàn thành Chương trình Phát triển thương mại – dịch vụ trên địa bàn huyện năm 2020 theo hướng chuyển cơ cấu kinh tế sang hướng dịch vụ và đã có tờ trình UBND tỉnh, các sở, ngành xem xét phê duyệt”, ông Xương cho biết.

Để huyện Tân Thành chủ động trong công tác điều hành chính quyền đô thị cảng biển,  ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, huyện Tân Thành cần thu thập số liệu, định hình và xác định cơ cấu kinh tế cho địa phương. Song song đó, cần có chuyển dịch trong việc phát triển quy hoạch đô thị cảng, phải hình thành diện mạo đô thị ngay từ bây giờ. Trước mắt, huyện cần ưu tiên khởi động các điều kiện cần và đủ cho đô thị như: quy hoạch đô thị, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực quản lý.

PV
Theo Báo Đầu tư