Lời giải từ dịch vụ logistics

Thường các chuyên gia và các nhà quản lý đều coi chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa là xuất siêu hoặc nhập siêu của nền kinh tế, thậm chí trước đây còn có ý kiến mang nặng tính thành tích như phải tính xuất khẩu theo giá CIF và nhập khẩu theo giá FOB để làm giảm nhập siêu (hoặc tăng xuất siêu).

858af_logistics

Nếu dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển mạnh hơn sẽ dẫn tới cán cân thương mại của Việt Nam được cải thiện.

Theo chuẩn mực quốc tế, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế được tính vào GDP bao gồm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; xuất khẩu hàng hóa thường được tính theo giá FOB (Free On Board) và nhập khẩu thường được tính theo giá CIF (Cost: giá trị hàng hóa; Insurance: phí bảo hiểm; Freight: phí vận tải).
Phí bảo hiểm và phí vận tải được thực hiện bởi các doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài.

Trong nhập khẩu dịch vụ, thường cũng bao gồm phí bảo hiểm và vận tải của doanh nghiệp nước ngoài.

Khi dịch vụ vận tải và bảo hiểm trong nước tăng lên chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị nhập khẩu theo giá CIF, không chỉ trực tiếp làm tăng GDP trong ngắn hạn mà còn góp phần làm tăng nguồn lực trong dài hạn.

Để tránh trùng lặp trong cân đối tổng thể nền kinh tế, tổng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ = Nhập khẩu hàng hóa (CIF) + Nhập khẩu dịch vụ – Phí dịch vụ bảo hiểm và vận tải do nước ngoài thực hiện.

Năm 2014 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (theo giá FOB) là 150 tỉ đô la Mỹ, xuất khẩu dịch vụ là 11 tỉ đô la Mỹ, như vậy tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam năm 2014 là 161 tỉ đô la Mỹ

Nhập khẩu hàng hóa (theo giá CIF) năm 2014 của Việt Nam là 148,1 tỉ đô la Mỹ, nhập khẩu dịch vụ là 15 tỉ đô la Mỹ. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ phí bảo hiểm và vận tải (bao gồm do các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thực hiện) là 6,6%; trong đó 18% do các doanh nghiệp trong nước thực hiện (Vinalines…) – tương đương khoảng 1,8 tỉ đô la Mỹ và 82% do các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện – khoảng 8 tỉ đô la Mỹ. Vì thế, tổng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ phải là 148,1 + 15 – 8 = 155,1 tỉ đô la Mỹ.

Như vậy, nếu tính cả xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ thì trong năm 2014, nền kinh tế Việt Nam xuất siêu xấp xỉ 6 tỉ đô la Mỹ; trong khi nếu chỉ tính xuất nhập khẩu hàng hóa như thông thường thì nền kinh tế Việt Nam chỉ xuất siêu 1,9 tỉ đô la Mỹ.

Ngoài ra, để cân đối tổng thể cung cầu của nền kinh tế vĩ mô, khoản 1,8 tỉ đô la Mỹ do các doanh nghiệp trong nước thực hiện trong giá trị nhập khẩu theo giá CIF cần được tính thêm cho GDP.

Cũng với cách tính nói trên, từ số liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong năm 2013, có thể thấy, tuy xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ gần như bằng nhau nhưng trong năm 2013, Việt Nam xuất siêu 3,6 tỉ đô la Mỹ.

Bộ Công Thương và nhiều chuyên gia cho rằng năm 2015 Việt Nam sẽ có nhập siêu về hàng hóa. Từ số liệu của hai năm gần đây, có thể thấy nếu dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển mạnh hơn sẽ dẫn tới cán cân thương mại của Việt Nam được cải thiện, bù đắp cho phần chênh lệch của xuất nhập khẩu hàng hóa. Khi dịch vụ vận tải và bảo hiểm trong nước tăng lên chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị nhập khẩu theo giá CIF, không chỉ trực tiếp làm tăng GDP trong ngắn hạn mà còn góp phần làm tăng nguồn lực trong dài hạn.

 

Bùi Trinh
Theo TBKTSG