Logistics ngành xi măng: Đừng để “chân to, chân teo”

Năm 2014, được đánh giá là năm thành công của ngành xi măng (XM) khi những con số tăng trưởng của toàn ngành đạt kết quả khả quan, với tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 70,58 triệu tấn, tăng 15% so với năm ngoái; trong đó riêng tiêu thụ trong nước đạt 50,9 triệu tấn, tăng 10%, xuất khẩu được 19,68 triệu tấn, tăng 30% so năm 2013.

Hiện cả nước có 75 dây chuyền sản xuất XM lò quay, công suất thiết kế 80,96 triệu tấn, toàn ngành khai thác trên 90% công suất thiết kế. Mặc dù doanh nghiệp XM “dễ thở” hơn bởi cạnh tranh trong thị trường tiêu thụ XM cũng đỡ “ngột ngạt” nhưng những đòi hỏi từ khách hàng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chuỗi cung ứng (logistics) cũng khắt khe hơn.

Theo ông Bùi Hồng Minh, Phó Tổng Giám đốc TCty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), trong những năm qua, logistics ngành xi măng đang tiếp tục phát triển mạnh. Có thể nói, việc kiểm soát trọng tải xe là bước ngoặt dẫn tới cơ cấu vận tải thay đổi, số lượng xe tham gia cung ứng tăng lên, số người tham gia cũng tăng lên đáng kể.

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem nhận định: Trước đây, việc kiểm soát xe quả tải chưa chặt chẽ, quản lý vận hành không đồng đều nên vận tải ngành XM phát triển lệch, chủ yếu phát triển đường bộ nên việc sử dụng đường sắt, đường thủy bị coi nhẹ, lãng quên.

Ông Khải ví von: Vì phát triển lệch “chân thì to, chân thì teo” nên việc vận chuyển, vận tải XM bằng đường sắt, đường thủy không được cải tổ, chưa phát triển phù hợp, phân bố nhà máy chưa trở thành nhu cầu cấp bách.

Khi việc kiểm soát tải trọng được tăng cường, siết chặt điều đó hợp quy luật và bắt buộc phải thay đổi. Nhưng ông Khải cũng cho rằng: Việc kiểm soát chưa đồng bộ, chỗ chặt, chỗ chưa nên tạo kẽ hở cạnh tranh không lành mạnh.

Mặt khác, nguồn lực của nhà vận tải chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế, hệ thống đường sắt chưa phát triển kịp thời, việc tháo dỡ tại các ga, cảng phải được trang bị, việc tạo điểm chứa trung gian chưa làm được nên còn bị động.

Để logicstics ngành XM phát triển mạnh và tốt hơn trong thời gian tới, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem, việc phân bố mạng lưới nhà máy và cơ sở trạm nghiền phù hợp, quy hoạch tổ chức thực hiện phải được tính toán tốt. Việc tổ chức hệ thống nhà máy phù hợp sẽ giúp giảm chi phí vận tải, đồng thời đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu của khách hàng.

Ông Khải nhấn mạnh: Việc tổ chức quy hoạch mạng lưới, các nhà máy, trạm nghiền, phân bổ lại có thể thực hiện bằng việc mua bán sáp nhập các nhà máy cho phù hợp. Mặt khác chúng ta cần nâng cao hiệu quả cảng và tàu chuyên dụng, kể cả phương tiện chở XM dời bằng đường thủy.

Vũ Huyền
Theo Xây Dựng