“Xuất khẩu, Kho vận và Cơ sở hạ tầng có thể là nhóm ngành dẫn dắt cho thị trường 2015”

“Vai trò trụ cột của ngành Dầu khí có thể sẽ được nhường lại cho các ngành khác nhau và tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách và đà hồi phục của nền kinh tế như Xuất khẩu, Kho vận và Cơ sở hạ tầng”

a-Hoang-VCBS

Bước sang năm 2015, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì trước những thay đổi của kinh tế đất nước và những biến động kinh tế chính trị của thế giới? Dòng tiền sẽ chảy vào nhóm ngành nào? Đâu là những yếu tố sẽ tác động đến dòng vốn ngoại?

Luôn có những câu hỏi như vậy được chúng ta đặt ra mỗi khi bước sang một năm tài chính mới. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Minh Hoàng – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế và chiến lược thị trường của CTCK VCBS.

Theo ông, hành trang để thị trường chứng khoán mang sang năm 2015 có gì thuận lợi và khó khăn?

Ông Trần Minh Hoàng: Thị trường đã kết thúc năm 2014 với mức tăng khá của hai chỉ số đi cùng với nhiều biến động. Bước sang năm 2015, mặc dù vẫn còn những khó khăn nhất định nhưng với triển vọng về sự ổn định và đà phục hồi đúng hướng của nền kinh tế, tôi tiếp tục kỳ vọng một kịch bản tích cực của thị trường chứng khoán.

Về mặt thuận lợi, tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán năm 2015 sẽ được hỗ trợ bởi những yếu tố như: (1) nền kinh tế ổn định và duy trì kỳ vọng tăng trưởng như năm 2014; (2) Hiệp định TPP có thể được hoàn thành vào cuối năm 2015 và (3) các nền kinh tế lớn trên thế giới như EU, Trung Quốc và Nhật Bản tăng cường kích thích kinh tế với các chính sách nới lỏng.

Tuy nhiên, thị trường trong năm tới cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Thị trường trong thời gian qua được hưởng lợi khá nhiều từ xu hướng giảm của lãi suất nhưng yếu tố này trong năm tới có thể sẽ không còn nhiều khi dư địa để giảm thêm của lãi suất VND là rất ít, mặc dù nhiều khả năng sẽ vẫn ở mức thấp.

Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên đi cùng với việc FED nhiều khả năng sẽ bắt đầu nâng lãi suất từ Quý 3.2015 cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá và từ đó ảnh hưởng đến động thái của khối ngoại nói riêng và thị trường nói chung.

Ngoài ra, khác biệt so với những năm gần đây, giá dầu suy giảm và được dự báo sẽ ở mức tương đối thấp trong 6 tháng đầu năm 2014 cũng sẽ khiến thị trường sẽ thiếu đi động lực và lực đỡ từ các trụ cột Dầu khí.

Năm 2014 đã đi qua với dấu ấn sâu đậm của cổ phiếu dầu khí. Ông thử “tiên đoán” xem liệu năm 2015 sẽ là năm của dòng cổ phiếu nào?

Trong hai năm 2013- 2014, các cổ phiếu Dầu khí đã đóng vai trò trụ cột khá tốt cho thị trường. Tuy nhiên, sự kiện rơi mạnh của giá dầu trên thế giới đã khiến triển vọng của nhóm Dầu khí suy yếu và không thu hút được dòng tiền.

Với đánh giá thị trường chứng khoán tiếp tục là một kênh đầu tư hấp dẫn dòng tiền, tôi cho rằng dòng tiền sẽ có sự chuyển dịch, vai trò trụ cột của ngành Dầu khí có thể sẽ được nhường lại cho các ngành khác nhau và tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách và đà hồi phục của nền kinh tế như Xuất khẩu, Kho vận và Cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh việc phân hóa giữa các ngành, tôi cho rằng trong mỗi ngành nhiều khả năng cũng sẽ có sự phân hóa mạnh với dự báo các doanh nghiệp đầu ngành tiếp tục vươn lên chiếm lĩnh thị trường, có kết quả kinh doanh tốt và từ đó được các nhà đầu tư cũng như dòng tiền quan tâm.

Năm qua cũng được ghi dấu ấn bởi những cổ phiếu siêu đầu cơ. Ông có cho rằng năm 2015 liệu còn cơ hội cho những cổ phiếu như vậy?

Tôi cho rằng trên thị trường chứng khoán, “đầu cơ” có thể coi như một cách thức tham gia thị trường của một bộ phận các nhà đầu tư. Theo đó, nhóm cổ phiếu có tính chất đầu cơ cao có lẽ sẽ luôn song hành cùng sự tồn tại của thị trường. Với kỳ vọng về một kịch bản tích cực nhưng cũng chứa nhiều biến động mạnh của thị trường chứng khoán năm 2015, tôi cho rằng, cơ hội là hiện hữu đối với nhóm cổ phiếu kể trên.

Tuy nhiên, với tính chất riêng của mình, rủi ro khi quyết định tham gia vào nhóm cổ phiếu này sẽ là rất lớn và có lẽ sẽ chỉ phù hợp với những nhà đầu tư nhanh nhạy, tuân thủ kỷ luật, có chiến lược quản trị rủi ro tốt và thực sự nắm chắc thông tin.

Theo ông, tình hình kinh tế chính trị thế giới hiện nay sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, và chi tiết hơn là đến dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam như thế nào?

Tình hình kinh tế chính trị thế giới đang tác động đến thị trường Việt Nam theo 2 hướng: tích cực và tiêu cực.

Về phía tích cực, các chính sách nới lỏng của các nước lớn trên thế giới đã và đang tạo ra mặt bằng lãi suất hấp dẫn, kích thích dòng vốn đầu tư tìm đến các thị trường biên và mới nổi. Với ưu thế về sự ổn định và đà phục hồi đúng hướng của nền kinh tế, tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là một điểm đến hứa hẹn của dòng vốn ngoại.

Về phía tiêu cực, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ kéo theo đồng USD mạnh lên và khả năng FED sẽ nâng lãi suất từ Quý 3 năm 2015 cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Theo đó, rủi ro tỷ giá trong năm 2015 được nhìn nhận là cao hơn so với hai năm trước và nhiều khả năng sẽ là một yếu tố đáng phải cân nhắc của khối ngoại trước khi quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các căng thẳng địa chính trị giữa Nga và các nước Phương Tây đẩy lùi tăng trưởng của các nước này nói riêng và của toàn cầu nói chung, từ đó khiến cho các lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không tốt.

Dưới cả những tác động trái chiều kể trên, tôi kỳ vọng năm 2015 sẽ là một năm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì vị thế mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng khả năng đột biến so với các năm trước là khó có thể xảy ra.

Ông có kỳ vọng gì vào chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ thị trường trong năm mới?

Tôi kỳ vọng rằng, thông tư 36 có thể sẽ được trì hoãn thêm một thời gian nữa để loại bỏ những tác động tiêu cực về mặt tâm lý của nhà đầu tư đến thị trường chung. Đồng thời, những văn bản quy định chi tiết về thị trường phái sinh sẽ sớm được hoàn thiện và áp dụng trên thị trường cổ phiếu. Ngoài ra, tôi cũng rất mong chờ thông tư về việc “nới room” cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm được công bố để thị trường có thêm động lực tăng điểm tốt hơn trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!
Theo Bảo Ngọc
CafeF