Thiếu xe chở hàng container do bị khống chế tải trọng trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm đã khiến nhiều DN vận tải chấp nhận bị phạt để đảm bảo cho các đơn hàng đã ký.
Việc siết tải trọng từ tháng 7/2014 đến nay khiến các DN vận chuyển hàng xuất nhập khẩu gặp khá nhiều rắc rối
Cty TNHH Thông Quan (phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa) làm thủ tục nhập một đơn hàng là máy sản xuất cho một DN tại KCN Amata. Container hàng này được giao tại Cảng Phước Long (TP HCM) nhưng DN không dám nhận hàng từ cảng này vì trọng tải của hàng hơn 40 tấn, vượt quá trọng tải mà xe của Cty được phép khá nhiều. DN phải sử dụng phương án chuyển hàng bằng xà lan về Cảng Đồng Nai, sau đó chấp nhận bị phạt để đưa hàng về Cty. Vừa thiếu vừa đắp chiếu Ông Nguyễn Quang Điềm – Giám đốc Cty TNHH Thông Quan cho biết, việc siết tải trọng từ tháng 7/2014 đến nay khiến các DN vận chuyển hàng xuất nhập khẩu bị gặp khá nhiều rắc rối, có xe nhưng vẫn không chở được hàng. Cty Thông Quan hiện có 5 chiếc sơ-mi rơ-moóc dùng để chở container nhưng do bị khống chế tải trọng nên không tham gia thường xuyên để vận chuyển hàng được. Tương tự, ông Nguyễn Văn Long – Giám đốc Cty cổ phần Nhật Minh Quang (tỉnh Bình Dương) cho hay, DN của ông có 30 chiếc sơ-mi rơ-moóc nhưng 2/3 số đó đang bị tình trạng khống chế trọng tải. Các sơ-mi rơ-moóc này được kiểm định đăng kiểm chỉ chở được container hàng từ 19 – 26 tấn. Trong khi đó, hàng trong container đã niêm chì, nhà xe không được tự ý tháo mở để hạ tải nên cần có lộ trình thực hiện để giải quyết các hợp đồng vận chuyển lỡ ký nguyên cả năm. Quy định vênh quốc tế “Đường” nào cho xe container?Theo tiêu chuẩn quốc tế, tải trọng 1 đầu kéo là 8,9 tấn, rơ-moóc (loại rơ-moóc sàn) là 7,5 tấn hoặc 5, 5 tấn (loại rơ-moóc xương), thùng container 4 tấn, trọng lượng hàng được phép chứa trong 1 container loại 20 feet hoặc loại 40 feet được phép lên đến 32,48 tấn. Như vậy, 1xe container chở hàng thông thường sẽ có tổng tải trọng lên đến trên dưới 50 tấn. Tuy nhiên, quy định tải trọng của VN đối với tổ hợp xe đầu kéo với sơ-mi rơ-moóc có 3 trục, tổng trọng lượng của xe 26 tấn; 4 trục tổng trọng lượng của xe 34 tấn; 5 trục tổng trọng lượng của xe 44 tấn; 6 trục hoặc lớn hơn, tổng trọng lượng của xe 48 tấn. Rõ ràng quy định này có độ vênh với quốc tế, nhưng DN phải chịu vì các container hiện nay – cho dù là hàng nhập hay hàng xuất thì mức đóng hàng vẫn theo tiêu chuẩn quốc tế nên trọng lượng tương đối giống nhau. Thực tế, các DN đã có sẵn phương án cải tạo rơmooc để tăng tải trọng bằng cách điều chỉnh vị trí chốt kéo như hướng dẫn của Bộ GTVT. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Điềm, đến thời điểm hiện tại, rất ít DN chọn cách này vì quá tốn kém, để cải tạo rơmooc theo tải trọng của Bộ GTVT thì mỗi rơmooc tốn 16 triệu đồng trong khi tải trọng nâng lên cũng như hiệu quả không đáng kể. Từ phản ánh, kiến nghị của các DN vận tải, đầu tháng 12 vừa qua, các Hiệp hội vận tải đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép nâng khối lượng toàn bộ của xe container kéo theo rơmooc 2 trục lên 32,48 tấn theo tiêu chuẩn chung của thế giới và xe kéo theo rơmooc 3 trục lên 38 tấn. Điều này phù hợp với tải trọng thiết kế của nhà sản xuất cả trong và ngoài nước đang phổ biến sản xuất loại sơ-mi rơ-moóc hai trục. Đồng thời, khối lượng này phải được ghi vào trong giấy đăng kiểm để DN có căn cứ thực hiện. Ngoài ra, Hiệp hội này cũng kiến nghị điều chỉnh sức kéo của đầu kéo theo đúng thiết kế của nhà sản xuất, vì hiện nay một số đầu kéo chỉ được kéo với trọng lượng thấp hơn thiết kế. Có như vậy, hàng hóa mới lưu thông dễ dàng, giải quyết được tình trạng thiếu xe và ùn tắc hàng hoá trong thời điểm mùa cuối năm lượng hàng hóa về nhiều để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Theo Diễn đàn Doanh nghiệp. |