Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực đang là điều kiện tốt để các công ty cảng biển hiện thực kế hoạch kinh doanh năm nay. Điển hình là CTCP Đại lý giao nhận vận tải Tân Cảng (TCL) – công ty con của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, hoạt động chủ yếu ở khu vực cảng Cát Lái.
Hiện chiếm gần 80% sản lượng hàng hóa thông qua cảng ở miền Nam, TCL có thuận lợi lớn để duy trì doanh thu và lợi nhuận ổn định qua các năm. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi như xếp dỡ container và khai thác depot đang đóng góp gần 85% doanh thu của công ty. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của TCL khá ấn tượng, với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng lần lượt 21,1% và 32% so với cùng kỳ.
Theo thông tin từ TCL, trong quý cuối năm, công ty sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc tăng trưởng mạnh của hoạt động xuất nhập khẩu và sản lượng container thông qua khu vực cảng Cát Lái. Tính chung cả năm 2014, sản lượng hàng hóa qua cảng Cát Lái ước đạt 3,6 triệu TEU, tăng 12,5% so với 2013.
Ngoài ra, hoạt động xếp dỡ tại khu vực cảng Tân Cảng – Nhơn Trạch cũng được cải thiện với sản lượng hàng hóa trong năm 2014 dự kiến tăng 37,8% so với 2013. Với định hướng phát triển thành ICD, Tân Cảng – Nhơn Trạch có khả năng phục vụ khu vực có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu cao, TCL sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 4 ha mặt bằng, nâng tổng diện tích bãi sử dụng lên 5,2 ha và tăng công suất xếp dỡ bằng việc đưa vào khai thác thêm một cẩu Liebherr với trọng tải 40 tấn.
Hiện tại, Tân Cảng – Nhơn Trạch chỉ mới trong giai đoạn đầu hoạt động. Tuy nhiên về dài hạn, khi Khu công nghiệp Nhơn Trạch được lấp đầy và các cụm công nghiệp xung quanh hình thành, cảng này sẽ là đầu mối vận chuyển hàng hóa giữa Đồng Nai với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác.
Việc đầu tư mở rộng ngay từ bây giờ đem lại lợi thế để TCL khai thác tối đa tiềm năng logistics ở khu vực này và mở rộng địa bàn hoạt động sang các tỉnh khác, giúp TCL nắm bắt cơ hội tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam khi FTA với EU, TPP… được ký kết. Với những lợi thế đó, CTCK FPTS đánh giá TCL khá cao và cho rằng, mã cổ phiếu này đáng để NĐT nắm giữ cho mục tiêu đầu tư dài hạn.
Cùng mảng hoạt động, CTCP Gemadept (GMD) nổi lên là một điểm sáng đặc biệt. Hai trung tâm tiếp vận (Distribution Centers – DC) với tổng diện tích 30.000 m2 tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) đang hoạt động rất hiệu quả và luôn đạt hiệu suất khai thác cao trên 90%. Để tăng công suất cung cấp dịch vụ này, công ty đã lên kế hoạch xây thêm DC trong năm 2015 với diện tích gần 10.000 m2, nằm gần kề hai DC hiện hữu.
Ngoài ra, nhằm tăng biên lợi nhuận, từ đầu năm đến nay công ty đã chủ động mở rộng cung cấp thêm nhiều dịch vụ gia tăng như lưu kho, bảo quản, phân loại hàng, đóng gói lại, giao nhận hàng lỗi cho nhiều khách hàng mới như 7Eleven, Aeon, Jardines, Emart và Don Quijote.
Hiện tại, hoạt động kinh doanh cốt lõi của GMD đang rất ổn định với hiệu quả tăng cao đặc biệt, khi hiệu suất khai thác cảng Nam Hải Đình Vũ tăng lên. Bên cạnh đó, GMD đang kỳ vọng nhiều vào sự tăng trưởng nhu cầu dịch vụ logistics ở Việt Nam trong các năm tới. CTCK VDSC đưa ra mức giá hợp lý đối với cổ phiếu GMD là 44.400 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị tích lũy cổ phiếu này trong dài hạn.
Tương tự, CTCK FPTS cũng cho rằng, trong ngắn hạn NĐT nên theo dõi cổ phiếu này. Còn trong dài hạn, FPTS vẫn giữ giá mục tiêu theo báo cáo định giá lần đầu (ngày 25/12/2013) là 43.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 23,23% so với giá hiện tại. NĐT có thể mua cổ phiếu GMD để nắm giữ, khi các tài sản được đưa vào khai thác hoặc chuyển nhượng sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho GMD.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, với cổ phiếu GMD thì NĐT cần thận trọng hơn vì không có được nhiều lợi thế như TCL. Lý do, một số vốn không nhỏ đầu tư vào các tài sản dài hạn của GMD hiện vẫn chưa đem lại hiệu quả ngay và dòng tiền từ các dự án trung và dài hạn của GMD vẫn là một ẩn số. Thêm vào đó, việc vốn chủ sở hữu tăng cao do hoán đổi trái phiếu chuyển đổi có thể tác động mạnh lên lợi ích của cổ đông hiện hữu, cũng là áp lực buộc GMD phải nâng cao hiệu quả hơn nữa.
Do vậy, dù có những chuyển biến tích cực trong một số hoạt động như dịch vụ logistics và cảng, NĐT quan tâm đến GMD hiện chưa thể chờ đợi nhiều vào dòng tiền của các dự án lớn. Thay vào đó, NĐT nên nhìn vào danh mục tài sản hiện có của công ty. Cũng theo đánh giá của CTCK VDSC, NĐT cần lưu ý giá thị trường phần diện tích đất của dự án có chênh lệch đáng kể với giá đầu tư ban đầu của GMD, do đó có ảnh hưởng đáng kể đến giá trị tài sản định giá lại của DN.
KIM
Theo Thời báo NH