Thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu, ngành dịch vụ logistics (hoạt động chuyên chở, lưu giữ, cung cấp hàng hóa) trong nước đã trở thành phương tiện kết nối hiệu quả cho hoạt động thương mại quốc tế. Song nhiều chuyên gia cho rằng, dường như ngành logistics trong nước vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mực và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường logistics của nước ta có tốc độ phát triển trung bình đạt từ 16-20%/năm. Kết quả đánh giá của WB cho thấy, chỉ số hoạt động logistics (LPI) của nước ta đạt 3,5/5 điểm, xếp thứ 48 trong bảng xếp hạng LPI thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2013. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics đã tích cực mở rộng quy mô, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đại diện của Bộ Công thương nhận định, tổng kim ngạch xuất khẩu của năm 2014 dự kiến đạt mức cao trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, một phần là nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ ngành dịch vụ logistics trong nước trong việc thúc đẩy thương mại phát triển. Hơn nữa, nước ta có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển như có đường bờ biển dài tập trung nhiều cảng biển lớn, nằm ở trung tâm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế.
Song nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian qua, dường như dịch vụ logistics trong nước vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mực và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành. Hơn nữa, theo kết quả nghiên cứu của WB, chi phí logistics ở nước ta tương đối cao chiếm khoảng 20,9% GDP trong khi chi phí này tại các nước phát triển chỉ vào khoảng từ 9 – 15% GDP. Trong đó, chi phí vận tải chiếm gần 60%, chi phí lưu kho, xử lý hàng hóa chiếm khoảng 30%. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ lưu trữ, tập kết hàng hóa còn thiếu và tính kết nối tất cả các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không và đường ống với vùng tập trung hàng hóa còn thiếu và yếu. Đây lại là những yếu tố nền tảng để tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển bền vững. Ngoài ra, hiện vẫn chưa có quy hoạch cụ thể cho ngành logistics, các cụm cảng biển trong nước không dành nhiều quỹ đất đầu tư cho kết cấu hạ tầng logistics mà chỉ mới chú trọng xây dựng một số trung tâm kho vận nhỏ lẻ, thiếu các khu kho vận quy mô lớn nên không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa vào những mùa xuất khẩu cao điểm. Thiếu tàu container chạy tuyến quốc tế cập các cảng nên nhiều doanh nghiệp phải vận chuyển hàng đến các khu cảng xa để xuất hàng, làm chậm thời gian xuất hàng, tăng thời gian lưu kho… Điều này dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hậu cần, kho vận rời bỏ thị trường logistics nước ta chuyển sang đầu tư tại các nước lân cận trong khu vực, kể cả các tập đoàn kho vận quốc tế. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trong nước và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn chưa phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng; chưa tạo được sự gắn bó mật thiết nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước hiện vẫn đang phải chịu nhiều loại phí dịch vụ cao như chi phí vận chuyển, phí lưu kho… làm tăng giá thành và dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.
Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa khuyến nghị, khi chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC), yếu tố quan trọng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam cần quan tâm, chú trọng là tiếp tục hoàn thiện, tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi hiện nay logistics chủ yếu được nhìn nhận như dịch vụ vận chuyển mà chưa nhận thức đúng vai trò kết nối của logistics như một phần của chuỗi cung ứng. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, chính sách bố trí, mở rộng và vận hành, khai thác hệ thống các cảng biển và cơ sở hạ tầng kết nối hợp lý để vừa giảm chi phí vận chuyển và giải quyết tình trạng quá tải tại các cảng như hiện nay.
Bên cạnh đó, nước ta đã, đang và sẽ tham gia các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp cũng cần tự chủ động nâng cao năng lực vận hành cảng, năng lực bốc dỡ hàng hóa; tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu; đặc biệt là tăng khả năng cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, khả năng vận tải logistics để tận dụng cơ hội trong giai đoạn hội nhập sâu rộng này.