Việt Nam sẽ tăng cường vị thế và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 10 của thế giới vào năm 2050 với xuất khẩu đạt 1.437 tỷ đô la Mỹ.
Ngân hàng HSBC vừa ra báo cáo “Những làn gió thương mại”, cách thức những yếu tố này tác động tới ngày nay và dự báo những thay đổi trong thương mại thế giới cho tới năm 2050.
Theo báo cáo, có ba làn sóng thương mại thế giới. Cụ thể: làn sóng đầu tiên từ năm 1865 tới 1913, làn sóng thứ hai từ 1950 tới 2007 và làn sóng thứ ba từ 2015 tới 2050. Bản đồ thương mại thế giới được xác lập bởi làn sóng toàn cầu hóa thứ ba sẽ rất khác với bản đồ hiện tại.
Theo đó, trong làn sóng thứ ba này, Việt Nam sẽ tăng cường vị thế và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 10 của thế giới vào năm 2050 với xuất khẩu đạt 1.437 tỷ đô la Mỹ.
Xuất khẩu Việt Nam sẽ đứng ngay dưới các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mexico, Pháp, Nhật Bản và Singapore.
Trung Quốc sẽ tăng cường vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu của thế giới, với ảnh hưởng gia tăng tại châu Á được hỗ trợ bởi những dự án như ‘One Belt, One Road’ và ảnh hưởng của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Ấn Độ cũng sẽ có nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh và được dự báo sẽ vượt qua Trung Quốc.
Bản báo cáo cũng xác định bốn động lực thương mại sẽ thúc đẩy cơ hội cho các nhà lãnh đạo kinh doanh ngày hôm nay và trong tương lai: gồm tốc độ phát triển công nghiệp hóa và sự dịch chuyển sang phục vụ theo nhu cầu; giá vận tải và logistic giảm mạnh; chính sách thương mại ngày càng tự do hóa; và sự trỗi dậy của những mô hình kinh doanh linh hoạt hơn
“Trong vòng 35 năm nữa, bốn động lực này sẽ tiếp tục thúc đẩy sáng tạo và tư duy mới nhằm giúp các công ty phát triển và cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu ngày càng biến động và phát triển nhanh”, trích dẫn từ báo cáo.
Đây là lần đầu tiên một báo cáo như thế này được phát hành và kết hợp việc phân tích toàn diện các dữ liệu của các quốc gia chủ chốt tham gia thương mại thế giới với việc tham gia bình luận từ các nhà lãnh đạo kinh tế. Báo cáo do Oxford Economics thực hiện.
Theo Trí Thức Trẻ