Tiếp thu các ý kiến góp ý của DN về những quy định mới trong hoạt động của các DN chế xuất, gia công, sản xuất XK… tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan, thuế XNK và quản lý thuế đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài, hàng hóa là nguyên liệu vật tư NK để sản xuất XK, Tổng cục Hải quan đã đưa ra nhiều nội dung tạo thuận lợi cho hoạt động gia công, sản xuất XK, hoạt động của các DN chế xuất.
Được lựa chọn địa điểm làm thủ tục
Về địa điểm làm thủ tục hải quan đối với nguyên vật liệu, sản phẩm XK, các ý kiến đều cho rằng bên cạnh việc tạo thuận lợi cho DN thì cũng phải đảm bảo việc quản lý của cơ quan Hải quan. Vì vậy nên quy định DN được lựa chọn 1 chi cục Hải quan để làm thủ tục NK vì các chi cục Hải quan này có tính chuyên môn cao, quản lý chuyên nghiệp. Khi XK, DN được XK ở nhiều nơi, việc quyết toán tình hình sử dụng nguyên vật liệu được thực hiện tại 1 chi cục Hải quan nơi làm thủ tục NK nguyên vật liệu.
Tiếp thu các ý kiến tham gia, theo đại diện Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), để tạo thuận lợi cho DN và đảm bảo việc quản lý của cơ quan Hải quan, đồng thời tránh việc xáo trộn dữ liệu trên hệ thống cũng như tình trạng rớt số liệu khi quyết toán, Tổng cục Hải quan đã đề xuất phương án:
DN được lựa chọn làm thủ tục hải quan tại 1 chi cục Hải quan thuận tiện cho việc làm thủ tục NK nguyên liệu. Đồng thời cũng được lựa chọn chi cục Hải quan thuận tiện cho việc làm thủ tục XK sản phẩm.
Địa điểm làm thủ tục quyết toán sẽ thực hiện tại nơi làm thủ tục NK nguyên vật liệu để tránh việc xáo trộn dữ liệu trên hệ thống cũng như tình trạng rớt số liệu khi quyết toán.
Được sử dụng báo cáo quyết toán phù hợp với doanh nghiệp
Quy định về nội dung báo cáo quyết toán đối với hàng gia công, DN chế xuất, tại dự thảo Thông tư đang quy định DN nộp báo cáo nhập- xuất- tồn theo lượng (bao gồm cả lượng nguyên vật liệu tồn trên dây chuyền, các sản phẩm dở dang, các sản phẩm chưa XK). Theo đó, DN phải thực hiện quy đổi lượng sản phẩm dang dở, các sản phẩm chưa XK ra lượng nguyên vật liệu.
Góp ý về nội dung này có nhiều quan điểm khác nhau. Có kiến nghị cho rằng, sử dụng báo cáo nhập – xuất – tồn kho nguyên liệu tại DN, số lượng này không bao gồm lượng nguyên vật liệu tồn trên dây chuyền, các sản phẩm dở dang, các sản phẩm chưa XK. Nếu sử dụng báo cáo theo quy định tại dự thảo Thông tư thì phải kết xuất dữ liệu ra excel để quy đổi từ sản phẩm hoàn chỉnh sang nguyên liệu.
Kiến nghị khác lại cho rằng, nên sử dụng số liệu hiện tại có tại sổ, chứng từ kế toán của DN, vì nếu sử dụng báo cáo theo quy định tại dự thảo Thông tư thì báo cáo nhập – xuất – tồn không trùng với báo cáo tài chính và báo cáo tồn kho của DN.
Do còn nhiều quan điểm khác nhau, nhiều DN sử dụng số liệu báo cáo khác nhau, nếu quy định thống nhất theo các tiêu chí DN đề nghị thì sẽ khó thực hiện được. Để dung hòa các ý kiến, đại diện Hiệp hội Dệt may kiến nghị thực hiện theo các tiêu chí quy định tại biểu mẫu của dự thảo Thông tư, DN sẽ thực hiện việc chuyển đổi thành nguyên vật liệu để đáp ứng yêu cầu của cơ quan Hải quan, đồng thời sẽ phải làm việc với tổ chức cung cấp phần mềm để được hỗ trợ việc này.
Trước các ý kiến góp ý, tại dự thảo Thông tư quy định DN thực hiện báo cáo theo 2 mẫu biểu: Báo cáo nhập – xuất – tồn kho nguyên liệu và Báo cáo nhập – xuất – tồn kho thành phẩm.
Phân tích quy định này, đại diện Cục Giám sát quản lý về Hải quan cho biết, nếu thực hiện theo nội dung báo cáo này DN sẽ không phải quy đổi lượng thành phẩm và bán thành phẩm ra lượng nguyên vật liệu, đồng thời có thể sử dụng ngay số liệu DN đang quản lý. Nội dung báo cáo quyết toán này phù hợp với hệ thống sổ kế toán đang theo dõi tại DN.
Được tự chọn cách quản lý mã nguyên liệu
Theo dự thảo Thông tư quy định về việc quản lý mã nguyên liệu theo hướng DN sẽ sử dụng mã HS để quản lý mã nguyên liệu trong báo cáo quyết toán với cơ quan Hải quan, một số DN đồng tình với quy định này bởi mã HS là quy chuẩn quốc tế. Tuy nhiên. Một số khác lại cho rằng, nếu quản lý theo mã HS thì DN phải chuyển từ mã quản lý của mình sang mã HS rất phức tạp.
Vì vậy, để tạo thuận lợi cho DN, Tổng cục Hải quan đang dự thảo quy định sẽ cho DN sử dụng mã do DN đang quản lý, có thể đó là mã HS hoặc mã nguyên vật liệu do DN tự xây dựng. Cơ quan Hải quan chấp nhận mã do DN khai báo trong bản nhập – xuất – tồn để kiểm tra.
Có thể thấy, quy định này sẽ tạo thuận lợi cho DN trong việc xây dựng báo cáo, tuy nhiên về phía cơ quan Hải quan sẽ vất vả hơn trong công tác kiểm tra.
Bỏ chứng từ thanh toán trong hồ sơ hoàn thuế
Quy định hiện hành về chứng từ thanh toán đối với hàng nhập sản xuất XK sẽ là cơ sở để được áp dụng thời hạn ân hạn thuế 275 ngày (điều kiện được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày là DN phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng).
Theo đó, tại dự thảo Thông tư đã quy định DN phải nộp chứng từ thanh toán đối với hàng NK, trường hợp lô hàng được thanh toán nhiều lần thì lập bảng kê chứng từ thanh toán. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định khi làm thủ tục quyết toán thuế DN phải nộp chứng từ thanh toán đối với hàng XK, nhưng chưa quy định việc lập bảng kê chứng từ thanh toán đối với hàng hóa XK.
Tuy nhiên, ý kiến các DN kiến nghị bỏ chứng từ thanh toán trong hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế. Tiếp thu ý kiến này, tại dự thảo Thông tư, Tổng cục Hải quan sẽ quy định theo hướng: DN chỉ phải lập bảng kê chứng từ thanh toán trong hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế đối với nguyên vật liệu NK và sản phẩm XK.
Không thu thuế nguyên vật liệu dư thừa chưa tiêu thụ nội địa
Trước kiến nghị của các DN về vấn đề này, cũng như ý kiến của Lãnh đạo Bộ Tài chính về nội dung này, tại dự thảo Thông tư đã được Tổng cục Hải quan xây dựng theo hướng: Trường hợp khi kiểm tra sau thông quan DN vẫn còn một lượng nguyên vật liệu dư thừa còn tồn trong kho, chưa tiêu thụ nội địa thì không thực hiện ấn định thuế.
Trường hợp qua kết quả kiểm tra, có đủ cơ sở chứng minh tổ chức, cá nhân đã tiêu thụ nội địa lượng nguyên liệu, vật tư dùng cho mục đích gia công, sản xuất XK thì thực hiện ấn định thuế theo quy định.
Trường hợp qua kiểm tra, phát hiện lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa tổ chức, cá nhân chưa sử dụng vẫn tồn trong kho thì xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, vẫn được tiếp tục sử dụng lượng nguyên liệu, vât tư dư thừa cho mục đích gia công, sản xuất hàng XK và thực hiện báo cáo quyết toán theo quy định.