Phó Cục trưởng Cục Hàng hải: Phụ phí tàu nước ngoài năm 2014 có thể lên đến 3 tỷ USD

Với mức phụ phí tàu nước ngoài 1%, năm 2014 dự kiến phụ phí này lên đến gần 3 tỷ USD. Phụ phí tàu nước ngoài là một trong những vấn đề nhức nhối làm tăng chi phí vận tải ở Việt Nam.

Ngày 27/11/2014, tại diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 2 (năm 2014), Ông Bùi Thiên Thu – Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã có những chia sẻ liên quan đến tăng cường quản lý nhà nước đối với dịch vụ vận tải biển.

Cảng Cái Mép.

Năng lực cảng biển Việt Nam đang dư thừa

Tính đến tháng 9/2014, Việt Nam có tổng cộng 44 cảng biển các loại, trong đó có 14 cảng biển loại I, 23 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III; khoàng 219 bến cảng với 44km cầu cảng và hàng chục khu chuyển tải.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt khoảng 286,4 triệu tấn, đạt 81,3% so với kế hoạch năm 2014 và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2013; hàng container đạt 7,56 triệu TEUs, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 82,1% cả năm. Dự kiến hàng container thông quan lên đến 9 triệu TEUs.

Ông Bùi Thiên Thu – Phó Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam cho rằng năng lực cảng biển Việt Nam đang thừa. Bởi năng lực hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam có thể đạt đến 500 triệu tấn/năm, dự kiến đến năm 2020 có thể đạt 1.000 triệu tấn.

Cơ cấu đội tàu ở Việt Nam chưa hợp lý

Đến ngày 30/06/2014, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam có khoảng 1.700 tàu với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT, trong đó có 30 tàu container, 172 tàu chuyên dụng chở hàng rời, hơn 940 tàu tổng hợp, 150 tàu chở hóa chất, 9 tàu chở khí hóa lõng, 37 tàu khách.

Nhìn vào con số đội tàu, ông Bùi Thiên Thu đánh giá đội tàu container chưa mạnh, chủ yếu là tàu hàng rời, cơ cấu đội tàu ở Việt Nam chưa hợp lý. Ví dụ như tàu container (tàu chuyên dùng chở hàng) chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 4%), tỷ lệ tàu chở container/tổng tàu ở các nước trung bình khoảng 14%.

Xu hướng phát triển tàu container, vì vậy, Việt Nam phải tái cơ cấu đội tàu để tàu container có thể chiếm tỷ trọng 45% tổng số tàu trong tương lai.

Vận tải của Việt Nam chủ yếu vẫn là vận tải đường ngắn. Hiện có khoảng 90% tổng lượng hàng xuất nhập khẩu hàng năm vận chuyển qua đường biển. Nhưng đội tàu Việt Nam chỉ mới thực hiện vận chuyển được 10% tổng lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và 80% hàng hóa container giữa các cảng nội địa. Định hướng trong tương lai Việt Nam phải đáp ứng thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 30%.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong tương lai?

Theo ông Bùi Thiên Thu, Cục Hàng hải Việt Nam đã tích cực, chủ động triển kai nhiều công tác liên quan đến lĩnh vực vận tải biển:

Một, giá dịch vụ bốc xếp tối thiểu: Đây là vấn đề lớn liên quan đến nhiều khu vực. Cục đề xuất thực hiện thí điểm quy định giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container tại khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải. Cục cũng xem xét để xin Bộ Tài chính đưa giá bốc xếp tối thiểu vào danh mục bình ổn giá.

Hai, phụ phí tàu nước ngoài: Đây là vấn đề khá “nhức nhối”, diễn ra phức tạp và không nhận được sự chấp thuận từ phía chủ hàng do không có tiếng nói chung giữa chủ hàng và chủ tàu. Nhiều hãng tàu thu phụ phí khá cao. Cục đề xuất cần giao cho cơ quan quản lý để kiểm soát hoạt động này.

Theo báo cáo cua Hiệp hội Logistics doanh số xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2014 dự kiến đạt khoảng 290 tỷ USD, nếu phụ phí tàu nước ngoài là 1% thì chi phí phụ phí lên đến 2,9 tỷ USD.

Ba, vận tải ven biển: Kết hợp vận tải sông và biển chưa tốt. Trong khi đó phát triển vận tại đường sông, vận tải ven biển giúp giảm tải đường bộ, giảm tai nạn giao thông, hư hỏng hạ tầng….

Bốn, vận tải container nội địa: Cục Hàng hải Việt Nam đã xây dựng và triển khai thay thế tàu nước ngoài bằng tàu container treo cờ Việt Nam vận tải nội địa.

Thanh Giang

Theo Infonet