Mặc dù Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã nỗ lực trong việc mở rộng, nâng cấp các sân bay nhưng do hạ tầng không bắt kịp tốc độ tăng trưởng đang là một trong những lý do khiến tỉ lệ chậm, hủy chuyến tăng cao.
Chậm, hủy chuyến tăng do thiếu trang thiết bị, hạ tầng
6 tháng đầu năm 2016, thị trường hành khách hàng không đạt tăng trưởng cao trong bối cảnh hạ tầng cảng hàng không (CHK), sân bay còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các CHK quốc tế Tân Sơn Nhất , Đà Nẵng và Cam Ranh.
Thị trường hàng không Việt Nam ước đạt 25 triệu khách, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2015. Các hãng hàng không Việt Nam đã đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, đặc biệt là Vietjet Air và Jetstar Pacific với việc mở rộng mạng đường bay và tăng tần suất trên các đường bay nội địa nên thị trường hành khách nội địa tăng trưởng mạnh, đạt 14 triệu khách, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2015. Qua đó nâng tổng lượng khách thông qua các CHK Việt Nam đạt gần 38 triệu khách, tăng 31% so cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên thị trường hàng không phát triển nhanh trong khi hạ tầng không theo kịp đã dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến tương đối cao trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), 6 tháng đầu năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 128.000 chuyến bay, trong đó số chuyến bay bị chậm chiếm 15,8% và bị hủy chiếm 0,6%.
Về nguyên nhân gây chậm/hủy chuyến bay, theo thống kê của Cục Hàng không, nguyên nhân chủ quan của hãng hàng không (kỹ thuật tàu bay) chiếm tỉ trọng lớn nhất với 10,3% tổng số chuyến bay chậm và gián tiếp gây nên 10,6% chuyến bay chậm của chặng kế tiếp. Nguyên nhân do thiếu trang thiết bị tại CHK là 1.250 chuyến, chiếm 6,2% cũng là con số đáng báo động về tình trạng quá tải tại các sân bay hiện nay.
Trong nhóm nguyên nhân tàu bay về muộn, nguyên nhân hạn chế về điều hành bay tại CHK xuất phát chiếm tỉ trọng lớn, tới 11,3% tổng số chuyến bay chậm.
Về tổng thể, nhóm nguyên nhân chủ quan từ các hãng hàng không, CHK chiếm gần 40% tổng số chuyến bay chậm, gián tiếp gây nên tình trạng chậm chuyến dây chuyền với các chuyến bay kế tiếp.
Ông Lại Xuân Thanh thông tin có những sân bay thiếu xe thang khiến các hãng hàng không phải đợi thay phiên nhau. Điển hình như ngày 3/6 vừa qua tại sân bay Pleiku, xe nâng hàng duy nhất của sân bay bị hỏng khiến 1 chuyến bay của Vietnam Airlines với 152 hành khách, hành trình Nội Bài-Pleiku không thể lấy được hành lý. Còn tại sân bay Tân Sơn Nhất, tàu bay phải thường xuyên đậu trên đường lăn vì thiếu chỗ đỗ.
Tiếp tục mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, để khắc phục tình trạng quá tải đang báo động tại các sân bay hiện nay, đơn vị đã thực hiện nâng cấp, mở rộng nhiều hạng mục như: Đưa nhà ga hành khách mới tại CHK Hải Phòng với các công trình phụ trợ (đường cất hạ cánh mới, hệ thống đèn đêm, sân đỗ tàu bay mở rộng) vào sử dụng ngày 12/5/2016; xây dựng mới nhà để xe 5 tầng tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất (dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2016) và tổ chức khai thác tốt sảnh đón taxi vào sử dụng phục vụ hành khách đi và đến nhà ga nội địa (tăng gấp đôi công suất khai thác); bố trí lại mặt bằng khu vực làm thủ tục hành khách và bổ sung máy soi chiếu an ninh tại nhà ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất để tăng năng lực thông qua; triển khai lắp đặt hệ thống làm thủ tục hành khách chung (CUTE) tại các CHKQT Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, ACV cũng bổ sung thêm các vị trí đỗ, sân đậu qua đêm tại các cảng HKQT. Cụ thể, tại Nội Bài bổ sung 11 vị trí đỗ, nâng tổng số vị trí đỗ lên 70 vị trí được cấp phép, có thể khai thác đồng thời được 50 vị trí; khai thác/đỗ qua đêm 56 vị trí; Tân Sơn Nhất: Đưa thêm 4 vị trí sân đậu cho tàu bay ATR72 vào khai thác từ tháng 1/2016, tổng cộng có 50 vị trí trên sân đậu; Cam Ranh: Bổ sung vị trí đỗ máy bay, từ 10 lên 26 vị trí…
Tuy nhiên, theo ý kiến của các hãng hàng không, hiện CHKQT Tân Sơn Nhất đã vượt quá công suất thiết kế nên có tình trạng quá tải ở nhà ga nội địa, đặc biệt khu vực làm thủ tục của Hãng hàng không Vietjet, dẫn đến tình trạng xung đột, quá tải đối với người và phương tiện tham gia giao thông khu vực phía trước nhà ga nội địa.
Cảng HKQT Nội Bài còn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, tình trạng mất điện lưới hoặc điện máy phát bị chập chờn dẫn đến tình trạng một số hoạt động của các đơn vị khác bị gián đoạn. Ngoài các CHK Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Liên Khương, Phú Quốc, các CHK còn lại chưa được trang bị xe nâng cho hành khách là người khuyết tật.
Tại một số CHK khu vực miền Trung còn hiện tượng thông tin chuyến bay không được cập nhật kịp thời, chất lượng sóng wifi chưa cao, trang thiết bị phục vụ mặt đất còn hạn chế, dịch vụ phi hàng không chưa cung cấp liên tục trong thời gian có chuyến bay.
Có thể thấy, trong khi chờ CHK quốc tế Long Thành được xây dựng để giảm tải cho CHK Tân Sơn Nhất thì, như ông Lại Xuân Thanh đã nói, Tân Sơn Nhất vẫn đang là điểm nghẽn căng thẳng của hàng không.
Còn đối với CHK quốc tế Nội Bài, với sức tăng trưởng “nóng” như hiện nay thì trong vòng 3 năm nữa, Nội Bài sẽ rơi vào tình trạng quá tải như Tân Sơn Nhất bây giờ. Vì lẽ đó, việc mở rộng, nâng cấp sân bay này đang là việc cấp bách.
Chinhphu.vn