Trung Quốc đi lên trong chuỗi giá trị, ai lợi, ai thiệt?

Việt Nam có thể sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ việc Trung Quốc đi lên trong chuỗi giá trị…

00-5bd78-1470101379812-crop-1470101442919

Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh – Ảnh: EPA/Financial Times.

Việc Trung Quốc dịch chuyển từ vị trí là một “công xưởng” với chi phí thấp lên vị trí một nhà sản xuất bắt đầu sử dụng công nghệ cao đang tạo ra những làn sóng ảnh hưởng đối với toàn bộ phần còn lại của châu Á.

Theo một bài viết của tờ Financial Times, Việt Nam có thể sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ việc Trung Quốc đi lên trong chuỗi giá trị, trong khi Hàn Quốc có thể sẽ là nước thiệt hại nhiều nhất.

Hàn Quốc “thiệt đủ đường”

Bài báo nói rằng vấn đề của Hàn Quốc nằm ở hai điểm. Thứ nhất, khi các nhà sản xuất Trung Quốc thành thạo công nghệ hơn, họ bắt đầu sản xuất nhiều hơn các loại hàng hóa trung gian có giá trị cao mà trước đây họ thường phải nhập khẩu từ những nền kinh tế có độ phát triển cao hơn như Hàn Quốc.

Chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á Gareth Leather thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics nhấn mạnh, tỷ trọng của hàng hóa trung gian trong kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm từ mức 2/3 vào năm 2011 xuống còn 52% vào năm 2015.

Và thứ hai, Hàn Quốc là nước có truyền thống xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghệ cao mà hiện nay Trung Quốc đang tập trung phát triển. Trong vòng 5 năm qua, các công ty Hàn Quốc đã để mất dần thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc trong những lĩnh vực như điện thoại di động và TV màn hình phẳng.

Ông Gareth Leather lo ngại, ngày sẽ càng có nhiều hơn những mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc bị ảnh hưởng do Trung Quốc tiếp tục phát triển năng lực sản xuất công nghệ cao.

“Đến nay, chủ yếu mới chỉ có các công ty điện tử Hàn Quốc chịu ảnh hưởng, nhưng điều này có thể sớm thay đổi”, ông cảnh báo. “Các công ty ôtô Trung Quốc đang làm ăn tốt ở các thị trường mới nổi và có thể sớm chiếm thị phần của các công ty Hàn Quốc”.

“Trung Quốc cũng đang giành thị phần một cách nhành chóng trong ngành công nghiệp đóng tàu. Trong những năm gần đây, họ đã chiếm thị phần của các công ty đóng tàu Nhật Bản, và gần đây đã vượt Hàn Quốc để trở thành quốc gia có ngành đóng tàu lớn nhất thế giới”, vị này nói thêm.

Theo số liệu từ công ty môi giới đóng tàu Clarksons, trong quý 1 năm nay, các công ty đóng tàu Trung Quốc đã củng cố vị thế trên thị trường toàn cầu, khi chiếm tới hơn một nửa số đơn đặt hàng tàu thương mại mới, bỏ xa Hàn Quốc với thị phần chỉ 7,4%.

Về lý thuyết thì ít nhất các công ty Hàn Quốc cũng sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc, đẩy mạnh được việc xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng cấp cao sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, hàng tiêu dùng cấp cao hiện chỉ chiếm có 3,4 % kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc. Thậm chí, trên thực tế, tỷ trọng này đã giảm dần trong 1 thập kỷ qua. Bởi vậy, chuyên gia Leather cho rằng “cho dù nhập khẩu hàng tiêu dùng của Trung Quốc có tăng mạnh, thì điều đó cũng không tạo ra được nhiều sự khác biệt cho Hàn Quốc”.

Nguy cơ từ sức cạnh tranh gia tăng của Trung Quốc, cùng với những yếu tố khác như mức nợ cao của các hộ gia đình, dân số trong độ tuổi lao động giảm, và thiếu chính sách hỗ trợ có hiệu quả từ phía Chính phủ được Capital Economics cho là nguyên nhân sẽ khiến Hàn Quốc khó đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 2% mỗi năm trong vòng 1 thập kỷ tới.

Những nước có khả năng hưởng lợi từ việc Trung Quốc đi lên trong chuỗi giá trị, theo Financial Times, là những cơ sở sản xuất thấp cấp đang ngày càng thu hút những ngành công nghiệp mà Trung Quốc không còn chú trọng như ngành dệt may.

Việt Nam hưởng lợi, nhưng cơ hội không kéo dài

Capital Economics nhấn mạnh ở những nước như Bangladesh, Sri Lanka và Việt Nam, lương tháng của một công nhân nhà máy thường dao động từ 100-200 USD, thấp hơn nhiều so với mức khoảng 420 USD ở Trung Quốc.

Ngân hàng Standard Chartered đã nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này bằng một cuộc thăm dò hàng năm về các nhà máy ở khu vực đồng bằng sông Châu Giang của Trung Quốc – nơi tập trung ba thành phố Quảng Châu, Thẩm Quyến và Đông Quản.

290 nhà sản xuất được khảo sát dự báo nguồn cung lao động sẽ tiếp tục bị thắt chặt trong năm nay, tiếp diễn xu hướng xuất phát từ việc c, bất chấp sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Do vậy, các nhà máy dự báo tiền lương sẽ tăng trung bình 7,7 % trong năm 2016, chỉ kém hơn chút ít so với mức tăng 7,8 % trong năm 2015 và 8,1 % trong năm 2014. Trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc, các nhà sản xuất được khảo sát dự báo tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm trung bình 6,1% trong năm nay, so với mức giảm 0,4% trong năm 2015.

Vì những lý do như vậy, 30% trong số 290 nhà sản xuất được Standard Chartered khảo sát nói họ muốn di chuyển hoạt động sản xuất tới một nơi khác. Dời nhà máy tới một địa chỉ khác ở Trung Quốc vẫn là lựa chọn được ưu tiên, nhưng chỉ có 17% số công ty được khảo sát năm nay thiên về biện pháp này, giảm từ mức 20% trong cuộc khảo sát năm ngoái, và 28% vào năm 2014.

Trong khi đó, số công ty muốn chuyển nhà máy ra nước ngoài trong cuộc khảo sát năm nay tăng lên mức 13%, từ mức 9% trong cuộc khảo sát năm 2013. Các công ty ưu tiên lựa chọn này nhấn mạnh những yếu tố như nguồn cung lao động tốt hơn cả về chất lượng và số lượng ở quốc gia khác, cũng như những lợi ích từ việc quốc gia điểm đến nằm trong nhiều khu vực tự do thương mại.

Đối với những công ty muốn đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Việt Nam đã nổi lên thành một điểm đến được ưa thích, tiếp đó là Campuchia. Ngược lại, sức hấp dẫn của một số quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á đã giảm xuống.

Các nhà sản xuất muốn chuyển nhà máy từ Trung Quốc ra nước ngoài thường muốn giảm chi phí từ 20-25%, trong đó Bangladesh được xem là một địa điểm có chi phí đặc biệt rẻ.

Tuy nhiên, Việt Nam và Camputchia được đánh giá cao hơn so với các quốc gia khác về nguồn cung lao động, các ưu đãi về thuế, các chi phí ngoài nhân công, triển vọng kinh tế, vị trí giao thông thuận lợi đến các nước tiêu thụ hàng hóa, và các thỏa thuận tự do thương mại.

Đông Nam Á “sẽ trở thành công xưởng tiếp theo của thế giới, theo quan điểm của chúng tôi, khi mà Trung Quốc tiếp tục chuyển mình thành một nền kinh tế hướng đến dịch vụ nhiều hơn”, chuyên gia kinh tế về châu Á Chidu Narayanan của Standard Chartered nhận định.

Ngoài những lợi ích có thể thấy rõ từ nguồn lao động giá rẻ, ông Narayanan còn nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực Đông Nam Á và “tầng lớp trung lưu đang nổi lên” của khu vực này. Sự phát triển của tầng lớp trung lưu trong khu vực đem đến cho các nhà sản xuất muốn chuyển nhà máy một cơ hội tiếp cận với một thị trường tiêu dùng rộng lớn và tăng trưởng nhanh.

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ là một điểm đến hấp dẫn hưởng lợi từ xu hướng này, xét tới việc Việt Nam có một nguồn lao động có giá rẻ và được đào tạo, dân số đông và dân số trong độ tuổi còn tăng, cũng như tầng lớp trung lưu ngày càng khá giả”, ông Narayanan nói.

Theo báo cáo của StandardChartered, để nắm bắt được hoàn toàn cơ hội mà xu hướng trên mang lại, khu vực Đông Nam Á cần nâng cấp cơ sở hạ tầng và có thêm những biện pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh, cơ hội này sẽ không kéo dài mãi đối với Đông Nam Á, bởi lực lượng lao động là người máy (robot) đang bắt đầu nổi lên.

“Công nghệ chính là thách thức lớn nhất đối với việc khu vực Đông Nam Á trở thành công xưởng của thế giới. Những công việc lặp đi lặp lại đòi hỏi kỹ năng thấp mà nhiều doanh nghiệp muốn chuyển sang Đông Nam Á có thể được làm dễ dàng bởi máy móc được lập trình và các biện pháp kỹ thuật tiên tiến”, ông Narayanan nhận định.

Vneconomy