Giống Việt Nam, Ấn Độ cũng đang đau đầu vì thiếu chỗ đỗ máy bay

Trong hội chợ hàng không tại Farnborough vào tuần trước, một hãng hàng không Ấn Độ đã ký hợp đồng mua 7,7 tỷ USD máy bay và hiện một thương vụ 72 tỷ USD nữa đang được đàm phán. Tuy nhiên, vấn đề khiến cả hãng hàng không này lẫn chính phủ Ấn Độ đau đầu không phải là nguồn lực tài chính mà là chỗ đỗ…máy bay.

Giống Việt Nam, quốc gia này cũng đang đau đầu vì thiếu chỗ đỗ máy bay

Thiếu chỗ đỗ máy bay

Thị trường hàng không Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới và nhu cầu di chuyền đường hàng không tại đây cũng đang nóng lên từng ngày. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng của Ấn Độ lại không theo kịp tốc độ tăng trưởng của giao thông khi thu nhập của người dân tăng còn phí đi lại thì không quá đắt.

Theo số liệu của hãng tư vấn Martin Consulting, thời gian bình quân để một chiếc máy bay lượn vòng quanh sân bay trước khi đỗ được xuống vào giờ cao điểm tại thủ đô Mumbai là 45 phút- 1 giờ. Con số này cao hơn nhiều so với mức 25 phút của Singapore và thậm chí là 0 phút của Qatar.


Số hành khách hàng không tại Ấn Độ đã tăng 40% trong 5 năm qua (triệu người)

Số hành khách hàng không tại Ấn Độ đã tăng 40% trong 5 năm qua (triệu người)

Nghiên cứu của hãng KPMG và Phòng thương mại Ấn Độ (ACCI) cho thấy kế hoạch đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng hàng không với tổng trị giá 5 tỷ USD của nước này là quá ít nếu so sánh với mức đầu tư 130 tỷ USD của Trung Quốc trong 15 năm qua.

Một bản dự thảo xây sân bay mới tại Mumbai đã bị đình trệ kể từ năm 1997 ngay cả khi hãng Boeing ước tính nước này sẽ cần thêm 1.740 máy bay mới để đáp ứng nhu cầu giao thông trong 20 năm tới.

Hãng Vistara, công ty địa phương của hãng Singapore Airlines tại Ấn Độ cho biết họ cần các chuyến bay di chuyển nhanh nhằm đảm bảo lợi nhuận. Công ty này cho rằng Mumbai và New Delhi muốn phát triển thì cần coi vấn đề cơ sở hạ tầng hàng không là vấn đề lớn cần quan tâm.

Trong số 450 sân bay trên toàn Ấn Độ, chỉ có 75 sân bay là đủ sức xử lý được các chuyến bay thương mại quốc tế. Những sân bay còn lại hầu như để không hoặc vận hành rất ít do không đạt tiêu chuẩn khiến nhiều hãng máy bay không muốn trung chuyển qua đây.

Việc thiếu các cơ sở hạ tầng hàng không có thể khiến những hãng sản xuất máy bay lớn như Boeing hay Airbus hoãn giao hàng cho Ấn Độ.

Theo báo cáo của Tổng cục hàng không dân dụng (DGCA), không có một sân bay Ấn Độ nào đạt 90% mức điểm trong bảng tiêu chuẩn quản lý 2.000 chuyến bay mỗi ngày.

Cần 40 tỷ USD đầu tư

Số liệu của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy thị trường hàng không Ấn Độ đã tăng trưởng 20% trong năm 2015, cao hơn nhiều so với mức 10% của Trung Quốc và dưới 5% của Mỹ.


Hàng không Ấn Độ dẫn đầu thế giới về tăng trưởng năm 2015 (%)

Hàng không Ấn Độ dẫn đầu thế giới về tăng trưởng năm 2015 (%)

Trong tuần trước, CEO Tony Fernandes của hãng AirAsia cho biết ông có quan điểm vô cùng lạc quan vào thị trường Ấn Độ.

Tiềm năng phát triển của ngành hàng không Ấn Độ đang thúc đẩy các hãng hàng không địa phương mở rộng đội tàu bay của mình. Theo hãng tin Bloomberg, ít nhất sẽ có khoảng 709 máy bay mới được mua trong vài năm tới.

Hãng Go Airlines cho biết sẽ mua mới 72 chiếc A320 từ Airbus. Công ty Spice Jet thì đang đàm phán mua 150 chiếc máy bay còn IndiGo thì đã đặt hàng 430 chiếc Airbus.

Nghiên cứu của hãng OAG Aviation Worldwide cho thấy không riêng gì Ấn Độ, sự chênh lệch giữa cơ sở hạ tầng sân bay và số máy bay đang diễn ra trên toàn Châu Á.

Trong 10 năm qua, Ấn Độ đã tiêu tốn khá nhiều tiền bạc vào cơ sở hạ tầng hàng khôngnhưng dường như thế là chưa đủ. Năm 2010, nước này đã đầu tư 2,7 tỷ USD để nâng cấp sân bay ở New Delhi và xây một sân bay mới. Năm 2014, quốc gia này chi 885 triệu USD nâng cấp sân bay Mumbai.

Trong phân khúc các sân bay có lưu lượng 25-40 triệu hành khách mỗi năm của ACI, sân bay tại New Delhi và Mumbai luôn đứng đầu. Tuy nhiên nếu xét về top 20 sân bay có lưu lượng động nhất thế giới thì cả 2 sân bay trên chưa bao giờ được đưa vào bảng xếp hạng.

Công ty tư vấn CAPA Centre for Aviation ước tính Ấn Độ sẽ cần khoảng 40 tỷ USD đầu tư trong 15 năm tới để cải thiện nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không.

Chính quyền Mumbai cũng đã nhận ra sự cấp thiết trong việc nâng cấp các sân bay. Tháng 6/2016, Thủ tướng Narendra Modi đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua 100% cổ phần của các sân bay mà không cần sự cấp phép của chính phủ.

Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ cũng cam kết sẽ giảm thuế cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo trì, sửa chữa và đại tu máy bay.

Ấn Độ ước tính doanh thu của ngành bảo trì, sửa chữa may bay của nước này có thể đạt 745 triệu USD mỗi năm nếu hoạt động hết tiềm năng. Tuy nhiên do thiếu cơ sở hạ tầng nên hầu hết nguồn thu này của Ấn Độ bị trôi sang các cơ sở bảo trì tại Sri Lanka, Singapore hay Malaysia.

Thủ tướng Modi cũng đang tìm cách hồi sinh các sân bay ma không đạt tiêu chuẩn. Ông Modi cho biết sẽ bồi thường thiệt hại cho những bang giảm thuế nhiên liệu và miến phí đậu máy bay ở nước này.

Hoàng Nam

Theo Trí Thức Trẻ