Dù là nước sản xuất giày dép xuất khẩu đứng thứ ba thế giới nhưng Việt Nam vẫn ở thế bị động trong các chuỗi sản xuất toàn cầu
Năm 2016, mục tiêu xuất khẩu của ngành giày dép, túi xách Việt Nam là 17,4 tỉ USD.
Mỗi năm, ngành da giày Việt Nam sản xuất khoảng 920 triệu đôi giày, trong đó hơn 800 triệu đôi để xuất khẩu và thị trường châu Âu (EU) chiếm thị phần lớn nhất.
Do đó, việc suy thoái kinh tế của EU và các khu vực khác đang ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy kim ngạch xuất khẩu của ngành khoảng 8 tỉ USD, chỉ tăng trưởng bình quân hơn 7%, thấp hơn nhiều mức 14% của năm ngoái.
Bà Trương Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ – Bộ Công Thương, cho biết ngay từ năm ngoái, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn với thị trường EU do các hàng rào phi thuế quan được lập nên nhiều hơn, thay đổi tiêu chuẩn về môi trường…
Lúc này, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là với EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ giúp xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 3,5%-57,4% về 0%, giúp ngành da giày xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới. Đây không chỉ là cú hích mà còn là cơ hội vàng cho ngành da giày phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu da giày 2016 ngày 14-7 ở TP HCM, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho rằng doanh nghiệp (DN) sản xuất da giày, túi xách Việt Nam muốn tận dụng được lợi thế từ các FTA thì cần phát triển các chuỗi liên kết nội địa, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn.
Mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam lên tới 54 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng khoảng 1,8 lần nhưng để có được giá trị gia tăng nhiều hơn, các DN cần đi vào những sản phẩm có giá trị cao thay vì sản phẩm căn bản như trước.
Một số nước như Campuchia, Bangladesh, Myanmar đang sản xuất những dòng giày dép cơ bản có khả năng được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi từ Mỹ và sẽ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm Việt Nam.
Việt Nam dù nằm trong nhóm các nước sản xuất, xuất khẩu giày dép, túi xách hàng đầu thế giới nhưng tới 65%-70% thị phần xuất khẩu do DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nắm giữ. Trong các chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu sản xuất giày dép lớn thế giới như Nike, Adidas… DN Việt phần lớn ở thế bị động do làm gia công, phụ thuộc vào sự chỉ định của nhà nhập khẩu.
Ngược lại, các DN FDI lại làm rất tốt trong chuỗi cung ứng do hệ thống nhà máy của họ cung cấp từ nguyên phụ liệu, sản xuất rồi phân phối. Họ biết cách lấy nguồn nguyên phụ liệu ở đâu tốt nhất, hưởng mức thuế suất ưu đãi nhất và giá thành cũng cạnh tranh.
Theo Lefaso, tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam phải phấn đấu lên mức 60% để đáp ứng được tất cả điều kiện về quy tắc xuất xứ đối với các FTA đã ký, giúp giảm các chi phí logistics, vận chuyển và nâng cao sự chủ động của DN Việt.
Cơ hội từ FTA rất lớn nhưng không mặc nhiên DN được hưởng mà phải đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, xuất xứ và môi trường, nhất là khi EU đang nâng cấp tiêu chuẩn môi trường. “Quan trọng là phải phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ để DN tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các thương hiệu lớn thế giới” – ông Kiệt nói.
Bỏ quên sân nhà
Một thực tế khác đối với ngành giày dép là trong khi các DN lớn “mải mê” xuất khẩu thì sân nhà đang có nguy cơ nhường chỗ cho hàng ngoại. Theo bà Trương Thị Thu Hà, riêng thị trường nội địa, nhu cầu tiêu dùng giày dép khoảng 1,55 triệu đôi/năm nhưng Việt Nam đang bị sức ép cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu phần lớn từ Trung Quốc, chủ yếu ở phân khúc thấp, trong khi phân khúc cao cấp lại nằm trong tay các thương hiệu lớn nước ngoài.